Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

GIÁO HỌ XIMON HOÀ


Giáo họ Ximon Phan Đắc Hòa (Bình Hải II): Kp 5 và 7 P. Lạc Đạo, trong khung đường Hàn Thuyên - Ngư Ông - Ngô Sĩ Liên : 325 gia đình, 1149 giáo dân. Lễ kính thánh bổn mạng ngày 10-12.

Simon Phan Ðắc Hòa (1787-1840)


Simon Phan Ðắc Hòa, Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Giáo dân, Y Sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 12/12.

"Ai có thể làm chúng tôi xa lìa được lòng mến Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, cùng khổ, đói rách, bắt bớ, gươm giáo" (Rm.8,35).

Cái khốn khổ mà Simon Hòa phải chịu kể từ khi bị bắt vì đức tin cũng tương tự như thế : Hơn 20 lần bị tra khảo rất dữ dội. Lúc thì bằng đòn vọt, khi thì bằng kìm lạnh, lúc khác thì bằng kẹp nung lửa… khiến da thịt ông bị thối rữa vì các vế thương dầy mủ máu. Rồi trách nhiệm tình thương đối với gia đình : người vợ và 12 đứa con, có đứa mới sanh được vài tháng, chưa được diễm phúc thấy mặt cha một lần.

Thế nhưng ngay trong trường hợp này, chân lý của các vị tử đạo vẫn luôn luôn đúng : Đối với các ngài, đau thương không phải là dấu chỉ của thất bại. Đau thương cũng không phải là mục đích, nhưng đau thương chính là thử thách các chứng nhân phải vượt qua, để có thể đạt được chân phúc vĩnh cửu. Và thái độ của Simon Hòa cũng như thái độ chung của các vị tử đạo vẫn là: "Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng yêu mến chúng ta" (Rm.8, 37).

Phan Đắc Hòa sinh trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông thôn, tỉnh Thừa Thiên năm 1774. Thuở bé, cậu tên là Thu. Cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và làm công ở làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công Giáo ở làng Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị.

Sống với người Công Giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cậu đã chọn thánh Simon làm bổn mạng. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà còn muốn theo sát, phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện một thời gian, nhưng qua các cha bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống và làm chứng tá về Ngài ngay giữa lòng đời.

Tuy không đạt được ước mơ, Simon Hòa vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện và các cha Bề trên. Sau khi lập gia đình và trở thành cha của 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là ngày gương sáng tiêu biểu cho mọi gia đình trong làng. Sống đời giáo dân, ông Hòa hành nghề y sĩ : "Lương y như từ mẫu". Nhiều người được ông chữa lành bệnh, nên dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội giúp đỡ người nghèo khó. Nếu dư dả chút ít, ông liền đem đóng góp vào công việc từ thiện, xây cất thánh đường…

Với đời sống đạo đức, ông lang y Hòa được đề cử làm Trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực thi chức năng một cách tốt đẹp: Ai ăn ở bất xứng, biếng trễ, ông tìm cách sửa chữa, hoặc răn đe dỗ dành, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm khắc sửa dạy. Thế nhưng ai cũng yêu mến chứ không oán ghét gì ông, bởi họ biết ông làm thế vì thương yêu họ và vì trách nhiệm, chứ không phải vì tư lợi. Ngoài ra, ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Ông thấy thấm thía ý nghĩa của phúc thật tám mối, nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người khác, nhất là người nghèo khó. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một người nằm kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước để nuôi kẻ bất hạnh.

Khi vua Minh mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, Ông Trùm lang Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình : ông sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng việc chứa chấp này đe dọa đến tính mạng của mình, cũng như của gia đình. Đức cha Cuénot Thể cũng trọ một thời gian tại nhà ông. Ông nhiệt thành lo liệu sắp xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn. Nếu nhà mình không ổn, ông gởi các nhà ở nơi tương đối bình an hơn. Tối ngày 13.4.1840, khi đang trên thuyền Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Qủang Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.

Suốt thời gian bị giam, lưoưng y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn khuyến khích họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, nhưng ông Simon vẫn kiên vững niềm tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương không làm ông nản chí, trái lại, ông còn lấy làm vui thỏa vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Ông Simon Hòa bị tra khảo đến 20 lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung khai tung tích các vị thừa sai, nhưng "dã tràng xe cát biển đông". Họ đã không đạt được ý nguyện, lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, bằng kìm kẹp và tra tấn dã man… cho tới khi người thày thuốc từ bi gục ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của lương y sĩ Hòa không thể ngã gục. Ông can đảm chịu mọi hình khổ đớn đau. Hơn nữa, ông quyết tâm hiến dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy sinh những điều thân thương qúi báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên nhủ :

"Cha yêu thương các con và hắng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yeu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn".

Quả thật nỗi lòng y sĩ Simon Hòa lúc đó:

"Yêu kính Chúa, nặng tình nhà,

Trăm cay nghìn đắng, vẫn cam một lòng".

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các quan còn cố bắt ông quá khóa, dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy ảnh quẳng đi để ông được tha, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết tuyên xưng niềm tin của mình.

Vị lương y lang Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa ngày 10.12.1840 tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa.

Đức Lêo XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.

Simon Phan Ðắc Hoà y sĩ
Sinh Giáp Ngọ (1774) địa chỉ Thừa Thiên
Lương y nổi tiếng trong miền
Mang danh chữa bệnh dùng thuyền chở cha

Quan bắt được hỏi tra giam huyện
Tại nơi đây thực hiện tấn tra
Cha con cùng nhốt một nhà
Tay chân bị trói thật là thảm thương

Rồi sau giải tỉnh đường Quảng Trị
Tại nơi đây lại bị cổ gông
Nhà giam tăm tối hôi nồng
Khoảng chừng hai tháng rất đông người tù

Ở Quảng Trị toàn khu giải Huế
Vua Minh Mạng thuận để xử ông
Các quan dụ để lập công
Bắt ông quá khóa, tha không, thưởng tiền

Nhưng ông vẫn trung kiên bền đỗ
Luôn tuyên xưng thách đố tới cùng
Quan quân thất bại nổi xung
Pháp trường trảm quyết phải dùng tới gươm

Ơn tử đạo, Thiên Ðường lên thẳng
Cuối cùng ai kẻ thắng người thua
Nước Trời chẳng thể bán mua
Chứng nhân kiên vững Chúa đưa về trời

Thi hài an táng nơi hành xử
Sau cải lên đưa gửi Paris
Trong phòng sổ sách có ghi
Tấm khăn thấm máu đem đi đền thờ

Một vài nét đơn sơ tiểu sử
Simon Hòa nghĩa cử chân thành
Lương y cứu chữa lẹ nhanh
Ông bà sinh hạ trưởng thành đông con

Ông Trùm đạo vuông tròn bác ái
Giúp đỡ người chẳng ngại quản công
Dân làng quý mến nhất ông
Thánh Ðường kiến thiết, của, công, nhiệt tình

Kẻ biếng nhác đệ huynh giải thích
Bọn rượu chè xích mích khuyên can
Người nằm liệt dưới vệ đàng
Ðiếm canh mang đến sẵn sàng thuốc men

Năm Canh Tý (1840) thân quen tử đạo
Thắng thế gian tàn bạo quan quân
Thiên đàng Chúa đã dành phần
Suy tôn Canh Tý (1900) ở gần Chúa Cha

Lời bất hủ: Ông khuyên nhủ các con đến thăm ông trong tù: "Cha yêu thương các con, và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha phải chịu khổ, cha xin vâng trọn".

GIÁO HỌ ANRE TRÔNG


Giáo họ Anrê Trần Văn Trông (Bình Hải I) : Kp 5 P. Lạc Đạo, trong khung đường Hàn Thuyên - Ngư Ông - Pasteur : 286 gia đình, 1077 giáo dân. Lễ kính thánh bổn mạng ngày 28-11.

Anrê Trần Văn Trông (1814-1835)


Anrê Trần Văn Trông, sinh 1814 tại Kim Long, Huế; chết 28 tháng 11, 1835 tại An Hòa, Huế. Anrê Trông là một binh sĩ trẻ tuổi, một thợ dệt tơ của nhà vua, và thuộc Hội Thừa Sai Balê. Khi triều đình khám phá ra sự liên hệ này năm 1834, ngài bị bắt, bị truất hết chức tước, và bị giam vào tù. Mẹ của ngài có mặt khi ngài bị xử tử và đã nhận lãnh thủ cấp của con trong lòng. Phong Á Thánh 1900. Ngày Lễ 28 tháng 11.
Trong vòng tay người mẹ.

Trong hành tích thánh Anrê Trần Văn Trông, người quân nhân xứ Huế, ta thấy nổi bật lên chân dung của một bà mẹ. Đức Giáo Hoàng Lêo XIII ca tụng bà đã thể hiện lòng can trường "theo gương Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo". Như Đức Maria dưới chân Thánh Giá dâng hiến Người Con Yêu Dấu, bà mẹ đó cũng có mặt trong cuộc hành quyết để hiến dâng người con trai duy nhất của mình. bà đi bên cạnh con, không than khóc không sầu buồn, trái lại còn bình tĩnh vui vẻ khuyên con hãy bền chí đến cùng.

Khi đầu Anrê Trông rơi xuống, bà mạnh dạn bước vào pháp trường kêu lớn tiếng trước mặt các quan : "Đây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi, xin các ông trả lại tôi cái dầu của con tôi". Nói xong, bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm máu của người con yêu quý, rồi đêm về mai táng trong nhà.
Tuổi xuân ước mơ.

Anrê Trần Văn Trông sinh năm 1814 trong một gia đình Công Giáo ở Kim Long, Phú Xuân (Huế). Cậu là con trai duy nhất trong nhà, thế mà năm 15 tuổi, người cha lại mất sớm, khiến gia đình lâm cảnh mẹ góa con côi. Để giúp mẹ mưu sinh, Anrê Trông đành giã từ sách đèn, theo chân bà con lối xóm về họ Thợ Đúc dệt tơ cho hoàng gia. Là người ngay thật, cậu không ăn bớt của công, luôn chăm chỉ làm việc và ưa những chuyện gây gỗ, bất hòa. Mỗi buổi chiều, sau những giờ lao động mệt mỏi, cậu thường vác cần câu đến ngồi bên bờ sông Hương xanh biếc, để được gần gũi với thiên nhiên.

Sử gia Rodriguez đã diễn tả tâm trạng của cậu qua những vần thơ sau (Martirologie III, pp. 158 – 159):

"Ôi êm đềm cảnh thiên nhiên trầm lặng,
Dưới ngàn cây râm mát thoảng hương hoa,
Nước lung linh nghe thanh thản tâm hồn,
Sông in dáng bóng non xanh xanh biếc…"

Nhưng cuộc đời êm ả đó không kéo dài được lâu mãi. Đồng lương ít ỏi của người thợ dệt tơ không đủ nuôi sống gia đình. Năm 20 tuổi, Anrê Trông đành giã từ mẹ lên đường nhập ngũ.

Xông vào cuộc chiến

Sau tám tháng phục vụ trong quân đội, tháng 11.1834, triều đình ra lệnh những binh sĩ Công Giáo phải ra trình diện. Không chút e dè, Anrê Trông với 12 đồng đội cùng ở khu Thợ Đúc đến "ra mắt" quan. Quan yêu cầu các anh phải tuân lệnh nhà vua bỏ đạo và đạp lên Thánh Giá. Cả 13 chiến sĩ Công Giáo đều cương quyết khước từ. Các quan bèn dùng biện pháp tra tấn dã man… lần lượt 12 người bỏ cuộc, chỉ còn mình Anrê Trông vẫn trung kiên đến cùng. Quân lính trói anh lại khiêng qua Thánh Giá, nhưng anh co chân lên quyết không xúc phạm đến ảnh Chúa. Thế là từ trại lính, anh bị tống qua trại giam. Các quan kết án tử hình, nhưng còn giam hậu, nghĩa là chưa xử ngay.

Suốt một năm bị giam trong ngục, Anrê Trông chịu nhiều điều cơ cực khổ sở, nhưng niềm tin của anh qua những thử thách đó càng ngày càng vững mạnh. Anrê sốt sắng cầu nguyện và đặc biệt phó thác đời mình cho Đức Mẹ, xin Chúa vì lời Mẹ Maria chuyển cầu ban cho ơn trung tín đến cùng. Những món qùa tiếp tế nhận được, anh chia sẻ cho các bạn tù và lính canh ngục, nên được họ quý mến. Cũng chính nhờ đó, anh có cơ hội đặc biệt để đi xưng tội, rước lễ và thăm mẹ.

Khi biết tin có cha Ngôn đang hoạt động ở Phú Xuân, anh Trông liền xin viên cai ngục và được phép về nhà một ngày dưới sự giám sát của một người lính. Nhờ đã dò hỏi rõ nơi ở của vị linh mục, Anrê Trông và người lính chèo thuyền đến bến đò kia vào giữa trưa. Lúc đó, mọi người dân chài đã lên bờ ăn uống nghỉ ngơi. Anh Trông liền bước qua thuyền của cha Ngôn, đẩy thuyền trôi nhẹ ra giữa dòng. Hai người nhỏ to "Tâm sự" và anh quỳ xuống lãnh phép lành tha tội. Xưng tội xong, anh ngỏ ý xin rước lễ, cha Ngôn hẹn anh sáng hôm sau tại Kẻ Văn. Thế rồi anh và người lính tiếp tục chèo thuyền về Kim Long. Hai người lên bờ và ngủ tại nhà mẹ một đêm. Tả sao cho siết niềm vui của hai mẹ con được tái ngộ trong hoàn cảnh bất ngờ này. mẹ anh đã hết lời khích lệ động viên anh kiên tâm vì đức tin.

Tảng sáng hôm sau, anh Trông và người lính gác vội vã chèo thuyền đến điểm hẹn. Gặp lại vị "khách quý", anh liền quỳ xuống lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cha Ngôn chúc lành : "Ước gì Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô sẽ gìn giữ con đến cuộc sống muôn đời". Anh thưa: "Amen". Rồi trong niềm hân hoan vì hồng phúc mới lãnh nhận, anh vui vẻ trở về trại giam như lời hứa với viên cai ngục.
Nỗi lòng hai mẹ con

Sau một năm tù, không hy vọng gì Anrê Trông thay đổi ý kiến, các quan quyết định ngày xử là 28.11.1835. Sáng hôm đó, người chiến sĩ đức tin gặp được người anh họ mình. Anh ta hỏi có muốn ăn gì không ? Anrê Trông trả lời: "Em muốn ăn chay để dọn mình tử đạo", rồi nói tiếp: "Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết".

Nhưng thực tế, người anh họ chưa kịp nhắn lại. Bà mẹ Anrê Trông khi hay tin con bị đem đi xử, liền vội vã ra đón con ở đầu chợ, nơi con sắp đi qua, gặp con, bà chỉ hỏi một câu vắn tắt : "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay con". Tấm lòng người mẹ là thế đấy. Bà biết rõ con của mình đủ can đảm chịu mọi đau đớn, giờ đây bà chỉ lo cho con về đức công bình.

Khi được con cho biết không vướng gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ. đến nơi xử, sau khi quân lính tháo gông xiềng, người chiến sĩ đức tin liền đón lấy, trao cho người lính cạnh bên và nói : "Xin nhờ anh đưa dùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm". Mẹ anh đứng gần nên nghe rất rõ, nhưng bà chưa lấy kỷ vật đó làm đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa.

Chiêng trống nổi lên, lý hình vung gươm, dầu vị tử đạo 21 tuổi rơi xuống. Bà mẹ anrê Trông chứng kiến ngay từ giây phút đầu tại pháp trường, bà thỏa lòng dù rất khổ đau, bước ra đòi viên chỉ huy trao thủ cấp con bà. Bọc trong vạt áo rồi ghì chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lắp lại : "Ôi con yêu quý của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé !".

Ngày 27.5.1900, Đức Lêo XIII suy tôn người chiến sĩ anh hùng Anrê Trông lên hàng Chân Phước. Ngài không ngớt lời ca ngợi mẫu gương của bà mẹ hào hùng, đã họa lại gần trọn vẹn hình ảnh Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo xưa trên đỉnh Can-vê.

Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Trường thi tử đạo

Anrê Trần Văn Trông binh sĩ
Sinh Giáp Tuất (1814) địa chỉ Kim Long
Gia đình nghèo khó trắng trong
Người cha mất sớm phải vòng gian nan

Cậu bỏ học lo toan giúp mẹ
Theo bà con mau lẹ học nghề
Dệt tơ thợ đúc say mê
Gia công cơ sở thuộc về nhà vua

Cậu chăm chỉ chẳng ưa lêu lổng
Chiều đi câu bãi trống Sông Hương
Làm nghề dệt ít đồng lương
Trông từ giã mẹ lên đường tòng quân

Sau tám tháng phong trần quân ngũ
Bị Triều Ðình chụp mũ trái sai
Ai người Công giáo phải khai
Trông không sợ hãi ngày mai nhận liền

Bạn đồng đội trong miền kéo tới
Quan loan truyền lệnh mới vua ban
Quân nhân đều phải sẵn sàng
Bước qua Thánh giá khỏi sang lý hình

Mười ba người chiến binh Công giáo
Ðều tuyên xưng mạnh bạo đức tin
Quan tra tấn cho đứng nhìn
Mười hai bỏ cuộc sợ kìm kẹp gông

Còn trụ lại Trần Trông anh dũng
Qua Thánh giá Trông cũng co chân
Tấn tra anh rất nhiều lần
Nhốt anh vô trại lãnh phần khổ đau

Cho thời hạn năm sau mới xử
Anh cho là Chúa thử lòng mình
Luôn luôn sốt sắng nguyện kinh
Tâm hồn vững mạnh Thánh Linh hộ phù

Anh chia sẻ bạn tù lính gác
Ðược tiếp quà chia chác đệ huynh
Lính canh trong chốn ngục hình
Cũng đều quý mến nghĩa tình giúp anh

Viên cai ngục đã dành ưu đãi
Cho về nhà có phái lính theo
Cha Ngôn ngồi ở thuyền chèo
Anh Trông quỳ xuống ngước theo nhìn trời

Lãnh phép lành nói lời tha tội
Anh xin rước lễ vội về nhà
Niềm vui hội ngộ thiết tha
Mẹ con mừng rỡ như là tái sinh

Một năm nhốt tính tình không đổi
Anh Trần Trông thúc hối lý hình
Tháo gươm đón nhận hy sinh
Anh nhờ đưa hộ mẹ mình chiếc gông

Làm kỷ niệm khi trông thấy nó
Là mẹ hiền sẽ ngó thấy con
Chiêng cồng vang tiếng kêu giòn
Cùng hai trộm cướp đầu con lìa mình

Lòng dũng cảm hy sinh tử đạo
Năm Kỷ Mùi (1835) loan báo hồng ân
Trao thủ cấp con, mẹ cầm
Vừa hôn vừa khóc thì thầm tạ ơn

Bà đã bọc giản đơn vạt áo
Trên đường về mếu máo khóc thương
Chôn con chính giữa từ đường
Trong nhà ngôi mộ xác xương con mình

Ai hiểu thấu được tình mẫu tử
Khi con mình bị xử chém đầu
Hồng ân Thiên Chúa nhiệm mầu
Suy tôn Canh Tý (1900) lên chầu Thiên nhan

Lời bất hủ: 13 quân nhân nhận mình có đạo, nhưng không chịu được cực hình, 12 lính đã đầu hàng, còn lại một mình Anrê Trông vẫn một lòng trung kiên không quá khoá. Khi sắp bị xử án, anh Trông gặp người anh họ, anh nói: "Em muốn ăn chay để dọn mình tử đạo, rồi nói tiếp: Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: đừng lo gì cho em cả, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện, và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết".
Bà mẹ chờ đón con trên đường đi xử, gặp con bà chỉ hỏi một câu vắn: "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ nần ai chăng, nếu có thì cho mẹ hay, mẹ sẽ trả thay cho". Bà theo con đến pháp trường. Khi lính chém đầu Anrê Trông, bà kêu lớn trước mặt quan: "Ðây là con tôi, đứa con mà tôi đã cưu mang dưỡng dục. Giờ này nó vẫn là con tôi, xin các ông trả lại tôi cái đầu của con tôi". Nói xong bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp đẫm máu của người con yêu quý, rồi đem về mai táng trong nhà.



GIÁO HỌ GIUSE THỊ


Giáo họ Giuse Lê Đăng Thị (Tam Hiệp): P. Đức Nghĩa, Kp 1,2,3 P. Lạc Đạo, Kp 1,2,3 P. Đức Thắng : 195 gia đình, 508 giáo dân. Lễ kính thánh bổn mạng ngày 24-10.

Giuse Lê Ðăng Thị (1925-1860)


Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 24/10.

Cùng bạn về trời

Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.

Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.

Bão tố và niềm tin.

Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. "Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu".

Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.

Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.

Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày".

Xứng danh huynh trưởng

Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".

Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : "Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".

Vạn phúc

Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.

Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Nguồn từ tu viện Đa Minh
Trường thi tử Đạo.

Lê Ðăng Thị sinh năm Ất Dậu (1825)
Tại Kẻ Văn Phú Hậu miền Trung
Gia đình binh nghiệp ung dung
Võ quan tài giỏi tin cùng giáo dân

Khi chiếu chỉ có phần gay gắt
Lê Ðăng Thị sắp đặt phục viên
Ðơn xin bệnh hoạn đưa lên
Cấp trên chấp nhận về liền Nghệ An

Thêm chiếu chỉ liên can toàn quốc
Ai trốn chui bắt được tố ra
Ðăng Thị có kẻ ghét mà
Lên quan tố giác trước tòa quân nhân

Thị bị bắt về phần lẩn trốn
Trong số này có bốn bạn thân
Giải về Quảng Trị Trung Phần
Ðể quan xét xử tội nhân ra tòa

Ông Ðăng Thị nhận là Chưởng vệ
Rõ đầu đuôi sự thể xin ra
Kitô hữu đúng thật mà
Giải ông về Huế rồi là tống giam

Cùng đồng bạn lệnh ban xử giảo
Ngồi trong tù anh thảo bức thư
Nghĩ rằng còn gặp nữa ư
Thương em anh nhớ giã từ các con

Ở trong ngục cấp còn cao nhất
Ông Ðăng Thị, chân thật sẻ chia
Trung thành can đảm nọ kia
Cấp cao gông nặng, mũ hia dữ đòn

Tuy tuổi trẻ không còn sung sức
Lắm cực hình đau tức lâm nguy
Tâm tình với bạn thầm thì
Chúa cho tôi sống để đi pháp trường

Sợ bệnh hoạn dở dương chết sớm
Chắc vì tôi mắc vướng tội nhiều
Nguyện cầu xin Chúa thương yêu
Cho con ơn trọng là điều ước mong

Một Linh mục vào trong giải tội
Sau có thầy tìm lối đến trao
Máu Mình Thánh đã đem vào
Ngày mai Chưởng vệ giải giao pháp trường

Giờ phút cuối quan thường khuyên giải
Xuất giáo đi án cải xin vua
Ông Thị quan chớ giỡn đùa
Tôi trung của Chúa là Vua Nước Trời

Lính dẫn giải ra nơi để xử
Giuse Thị vẫn cứ nguyện cầu
Một Linh mục đến từ lâu
Giải tội lần chót phép mầu trao ban

Ông hô lớn Thiên Ðàng vạn phúc
Bọn lý hình tới lúc xiết dây
Chứng nhân tắt thở rồi đây
Phú Cam tổ chức tràn đầy giáo dân

Phúc tử đạo Canh Thân (1860) sử sách

Một võ quan tư cách tuyên xưng
Pháp trường cầu nguyện không ngừng
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) vui mừng Nước Cha

Ngay giáo xứ mở ra an táng
Là chứng nhân xứng đáng Giuse
Hồng ân Thiên Chúa lắng nghe
Về sau hài cốt chở che nhà dòng

(Hài cốt Giuse Lê Ðăng Thị Chưởng vệ được đặt trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế)

Lời bất hủ: Bản án của ông Cai đội như sau: "Lê Ðăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được". Y bị kết an xử giảo cuối mùa thu. Khi nghe bản án xong ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".

GIÁO HỌ MATTHEU PHƯỢNG



Giáo họ Máthêu Nguyễn Văn Phượng (Thánh Đường) : Kp 4 và 6 P. Lạc Đạo, trong khung đường Trần Hưng Đạo - Ngư Ông - Pasteur - Ngô Sĩ Liên : 127 gia đình, 397 giáo dân. Lễ kính thánh bổn mạng ngày 26-5.


Thánh Matthêu NGUYỄN VĂN PHƯỢNG, Trùm Họ (1808 - 1861)

Chết Là Vận May




Giờ phút xử tử đã điểm. Lý hình chuẩn bị sẵn sàng. Bên ba người con, hai trai, một gái đang quỳ khóc lóc tiễn biệt, thánh Mattêu Phượng vẫn nói những lời tràn đầy tin tưởng. Bởi vì ngài đã được chuẩn bị từ lâu cho biến cố tử đạo này: “Các con của cha ơi, đừng khóc, đừng buồn làm chi. Cha đã gặp vận may mắn. Anh em chúng con hãy sống thuận hòa yêu thương đùm bọc nhau”.

Matthêu Nguyễn Văn Phượng chào đời khoảng năm 1808 tại làng Kẻ Lái, tỉnh Quảng Bình, con ông Nguyễn Văn Bường, quân nhân. Cha mẹ đều là người Công Giáo đạo đức. Tên gọi của ông là Đắc, trong sổ là Kế, và sau khi lập gia đình, người ta mới gọi ông là Phượng theo tên người con cả.

Tình yêu phục vụ

Mồ côi cha từ năm lên mười, hai năm sau lại mồ côi mẹ, cậu Đắc sớm phải lo tự lực mưu sinh. Anh theo học nghề thuốc với thày lang Nhu, tuy ngoại đạo nhưng tính rất tốt, đã chỉ dẫn cho anh nhiều bài thuốc quý. Dưới thời vua Minh Mạng, anh theo giúp cha Điểm suốt bảy năm liền một cách tận tụy như người con hiếu thảo. Đổi lại, như người cha ruột, cha Điểm đã mai mối cho anh cưới một thiếu nữ hiền hậu xứ Sáo Bún, năm đó anh 22 tuổi. Từ ngày ấy, anh dọn về ở với bố vợ, tức ông đội Khiêm và hành nghề y sĩ. Được vài năm, anh chuyển sang nghề buôn bán. Nói chung, anh khá thành công trong nghề mới, nên gia đình luôn được sung túc.

Thời gian thấm thoát, gia đình ông Phượng sinh hạ được tám người con. Dầu bận rộn với việc buôn bán, ông vẫn chu toàn việc giáo dục con cái, sống trọn vẹn với luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt ông dạy bằng gương sáng. Chính ông siêng năng xưng tội rước lễ khi có thể, rồi nhắc nhở các con. Mỗi tuần ông đều thu xết thời giờ đi thăm bệnh nhân, và đến giúp đỡ bà con nghèo ở chung quanh. Cô Thủ, con gái ông, dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá. Khi con cái đã trưởng thành, ông tìm nơi đạo hạnh để thông gia, và chia cho các con toàn bộ tài sản của mình, chỉ giữ lại những thứ tối cần thôi.

Năm ông 50 tuổi, vợ ông từ trần. Ông cho gọi cô Phượng, con cả, lúc đó chồng cô cũng đã qua đời, đưa các cháu về sống với ông ngoại. Toàn thể giáo hữu Sáo Bún mến phụctài năng nhân đức của ông, nên cử ông làm Trùm họ. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu linh mục, ông Trùm Phượng có nhiều cơ hội phục vụ cho dân Chúa. Nhiều trẻ em được ông rửa tội, nhiều người xin theo đạo do lời khuyên bảo của ông. Đặc biệt, ông rộng rãi tiếp các linh mục và thày giảng đến trú ngụ tại nhà mình. Nghe mọi người dự đoán trước cuộc tử đạo ông sẽ phải lãnh nhận, ông mỉm cười và tiếp tục làm việc bác ái như trước.

Ngày 02.01.1861, cha Hoan về Sáo Bún giúp mọi người chuẩn bị lễ Hiển Linh, ông trùm Phượng hân hoan mời cha về nhà mình. Không biết có ai tố giác không, mà ngay tối hôm sau, quân lính ùa đến vây làng. Cha Hoan lén ra bờ sông tìm cách trốn nhưng bị bắt. Sau đó, lính kéo đến nhà ông Trùm, rồi chia nhau lục soát khắp nhà. Khi tìm thấy áo lễ, chém lễ và ảnh tượng, lính liền bắt ông Phượng đưa về Đồng Hới cùng với cha Hoan và bảy giáo hữu khác nữa.

Tín trung đến cùng.

Dù cho quan quân áp dụng đủ cách thức để tra tấn xét khảo hết ngày này qua ngày khác, ông trùm Phượng và các bạn nhắc nhở nhau không khai điều gì làm hại đến những người còn lại. Ông nhận mình có mời cha Hoan đến nhà vì tang chứng quá rõ rệt, nhưng cương quyết không chịu bỏ đạo và không bước qua Thập Giá.

Ở dinh quan án có viên lục sự trẻ trẻ tuổi đem lòng yêu thương con gái ông Trùm, nên nói với ông: “Nếu gả con gái cho tôi, tôi hứa hết sức sẽ lo cho ông được tự do”. Ông đáp: “Không được đâu, trừ phi chính anh theo đạo. Tôi không gả con gái tôi cho người ngoại đạo, dù anh là ông ký hay quan đi nữa, tôi sợ nó không giữ được đức tin. Nếu vì lý do đó mà phải chết, tôi sẵn sàng”.

Ngày 25.05, bản án của triều đình đã về đến Đồng Hới. Ông phượng vui vẻ đi chào giã biệt các bạn tù, để sáng sớm hôm sau sẽ theo chân các lý hình ra pháp trường cùng với cha Hoan. Một người cầm bản án đi phía trước: “người này tên Nguyễn Văn Đắc, tức Phượng là tín đồ Gia Tô. Kẻ đã đang tâm bao che cho đạo trưởng Hoan. Vi phạm luật nhà nước là một trọng tội. Phải đem xử trảm tức khắc”.

Đến cửa thành, đoàn người dừng lại một lát. Thân nhân bạn hữu của hai chứng nhân đức tin đã được quan cho phép mang đến ít bánh trái để hai vị lót dạ, nhưng quân lính muốn kết thúc việc xử án cho sớm nên đánh đuổi họ. Đoàn người lại tiếp tục lên đường. Đến pháp trường, theo gương cha Hoan, ông Phượng cũng xin khỏi trói, rồi bình tĩnh qùy trên chiếc chiếu của mình, chắp tay lại cầu nguyện. Hai người con trai của chị Thủ, con gái của ông, tiến đến sát bên, vừa khóc vừa chào vĩnh biệt, nhưng ông can đảm an ủi họ. Sau đó lí hình đuổi tất cả họ ra xa. Ngay khi tiếng chiêng đầu nổi lên, đầu vị tử đạo đã rơi xuống, và linh hồn vị anh hùng đức tin về hưởng nhan Thiên Chúa muôn đời.

Đức Thánh Cha Piô X suy tôn ông Trùm Matthêu Nguyễn Văn Phượng lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.


Lm. Đào Trung Hiệu, OP

GIÁO HỌ ANRE KIM THÔNG


Giáo họ Anrê Nguyễn Kim Thông (Đức Tiến) : P. Đức Long và xã Tiến Lợi, 276 gia đình, 876 giáo dân.

Lược sử Thánh Bổn mạng :

THÁNH ANRÊ NGUYỄN KIM THÔNG

Sinh năm 1790
Chết rũ tù ngày 15 tháng 07 năm 1855
chân Phước ngày 02-05-1909
Hiển Thánh ngày 19-06-1988


Ông Trùm Anrê Nguyễn Kim Thông chào đời năm 1790 trong một gia đình công giáo đạo đức tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân sinh là ông Nguyễn Kim Chánh và thân mẫu là bà Đặng Thị Mẫn. Gia đình ông bà Nguyễn Kim Chánh có 05 người con: Nguyễn Thị Tang, Nguyễn Yến, Nguyễn Thị Khánh, Nguyễn Kim Thông và Nguyễn Điều. Nguyễn Kim Thông là người con thứ tư trong gia đình nhưng tục lệ thường gọi là thứ năm (người con đầu là thứ hai), do đó Nguyễn Kim Thông còn có tên thường gọi là Năm Thuông.

Anrê Kim Thông lớn lên được học hành thông hiểu văn chương chữ Hán. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho gia và luân lý đạo đức Kitô giáo đã kết hợp tạo nên tâm hồn và ý chí của Anrê.

Anrê Kim Thông lập gia đình sinh được 09 người con: Tôma Nguyễn Kim Vệ (Thủ Ngọc); Gioan Nguyễn Kim Thới ; Anna Nguyễn Thị Lục ; Matta Nguyễn Thị Khâm ; Giuse Nguyễn Kim Quới ; Giuse Nguyễn Kim Thủ (linh mục) và 02 người chết khi còn nhỏ. Sau khi sinh hạ Nguyễn Kim Thủ, người vợ hiền của Anrê lâm bệnh và qua đời để lại đàn con đông, thiếu vắng bàn tay chăm sóc, quán xuyến công việc nội trợ gia đình. Ông đã tái thú cưới người vợ ở Mỹ Cang nhưng không bao lâu bà qua đời. Ông lại tục huyền cưới người ở Phú Yên, bà nầy cũng qua đời. Ông cưới đời vợ thứ tư ở Nước Mặn, sinh được một gái, sau là nữ tu Anna Nguyễn Thị Nhường, nhà phước Gò Thị.

Từ lúc còn trai trẻ, Anrê Kim Thông đã sớm được chọn vào bậc Thầy Giảng tại chỗ, nói đúng hơn vào hàng chức việc của giáo xứ Gò-thị.

Tại Đàng Trong, các chức việc, dưới sự lãnh đạo của các linh mục, họ điều hành các tín hữu trong họ đạo, giúp đỡ các bệnh nhân hấp hối, khuyên bảo, cố vấn cho nhiều người, ngăn ngừa hay cảnh cáo những gương xấu, chận đứng hay hòa giải những cuộc tranh tụng, quản lý tài sản Giáo hội, lo xây cất các nhà nguyện hay các nhà xứ.

Ông Anrê Năm Thuông chu toàn nhiệm vụ của mình với tinh thần hăng say, với lòng đạo đức sốt sắng và lòng bác ái hoàn hảo. Sau nầy ông được Đức cha Cuénot đặt làm Trùm Cả toàn tỉnh Bình định, lúc bấy giờ ông đã trên 50 tuổi. Làng cũng chọn ông lo việc xét xử, hòa giải mọi người trong xóm làng.

Việc vừa đứng đầu trong hàng chức việc vừa có chân trong các chức làng thường mang lại lợi ích, nhưng cũng đòi hỏi nhiều trách nhiệm. Ông Trùm Anrê là người như thế, Ông Trùm có ảnh hưởng trên giáo dân mà cũng có ảnh hưởng trong làng, trong xã. Ông Trùm thường xuyên giao tiếp với các bậc vị vọng. Ông Trùm tham gia việc làng, như hội họp, xử kiện, hòa giải... Như vậy vai trò của Ông Trùm, chẳng những rất hữu ích cho đạo trong thời bình mà nhất là trong thời cấm cách. Ở ai khác có thể việc đời làm xao lãng việc đạo, nhưng ở Ông Trùm Anrê thì không bao giờ như vậy.

Ông Trùm rất tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, nên đã lập một nhà nguyện dâng hiến cho Trái tim vẹn sạch của Đức Trinh Nữ ngay trong vườn nhà. Nhà Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị không có một người bạn nào thân thiết hơn Ông Trùm. Nhà mồ côi Gò Thị không có một nhà “hảo tâm” nào rộng rãi hơn Ông Trùm.

Ông Trùm tích cực khai khẩn đất hoang, nộp thuế cho triều đình. Ông Trùm đã được vua Tự Đức ban tặng thẻ vàng: Cần Nông Nguyễn Kim Thông.
Điểm đặc biệt trong đời sống của Ông Trùm là lòng nhiệt thành với các vị thừa sai, nhất là đối với Đức cha Cuénot. Trong những năm tháng dài, dù hiểm nguy đến tính mạng, Ông Trùm đã bố trí cho Đức cha trốn lánh, tá túc ngay trong nhà mình, đón tiếp các Linh mục, các thầy giảng đến thăm Đức cha, phục vụ các ngài, phí tổn khá nhiều nhưng Ông Trùm không hề đòi một chút thù lao nào.

Sự nhiệt tâm này dù làm cho đời sống kinh tế của gia đình Ông Trùm nhiều lúc trở nên eo hẹp. Ông Trùm cũng chẳng nề hà. Điều làm cho Ông Trùm quan tâm nhất là làm sao chu toàn trách nhiệm đối với các tín hữu trong họ đạo, đặc biệt Ông Trùm rất chú tâm đến việc bảo đảm an toàn cho Đức cha và các linh mục.

Do đó khi được các quan đòi lên tỉnh bất cứ vì lý do gì, Ông Trùm vội đi ngay, đối đáp, trao đổi sao cho ít thiệt hại nhất, và khi ra về vẫn giữ sự liên lạc xã giao với các quan, đến nỗi Ông Trùm cũng gây được tình thân hữu với các quan và khi hữu sự, các quan cũng nể nang đối với Ông Trùm. Tình trạng hữu nghị kéo dài khá lâu và người ta những tưởng là sẽ kéo dài mãi mãi. Nào ngờ vào năm 1854, Ông Trùm bị một người cháu nuôi tên là Út phản bội. Bị ông ngoại nuôi khiển trách vì đời sống lôi thôi của mình, cũng như tức giận vì chú và dượng, con và rể của Ông Trùm Anrê, không nhận nó vào sổ nhân đinh trong làng, đứa cháu vô phúc này tố cáo Ông Trùm bằng một lá thư nặc danh gửi lên Bộ Hình.

Ông Trùm Năm Thuông bị trát đòi lên dinh quan Tổng đốc Bình Định và bị giam vào ngục. Ông Trùm không buồn phiền vì việc này. Đức cha Cuénot gọi Ông Trùm và bốn người Công giáo khác bị tù với Ông Trùm là những "Đoá hoa của Giáo hội”. Ông Trùm quyết tâm trung thành giữ vững lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Quan Tổng đốc tỏ lòng thiện cảm với Ông Trùm, không cho đánh đập Ông Trùm, thỉnh thoảng quan Tổng đốc cũng như cac quan thuộc cấp vui lòng để Ông Trùm về thăm gia đình. Những lần về thăm như vậy Ông Trùm đã tác động tinh thần mọi người. Ông Trùm khuyến khích mọi người can đảm, khẳng định lòng tin của mình vào đạo thánh Chúa. Lời Ông Trùm sau đây ngày nay vẫn còn âm vang trong con cháu: "... Tôi đã già rồi, mệt mỏi, kiệt sức. Tôi không nuối tiếc gì phải lìa cõi đời này. Tôi vui lòng đón nhận khổ ải, sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Chắc chắn là tôi không làm gì để được phóng thích”.

Ông Trùm Anrê Năm Thuông đã trở lại tỉnh đường Bình Định và để mặc cho quân lính tống giam Ông Trùm vào khám đường. Rõ ràng Ông Trùm có thể lợi dụng cơ hội về thăm gia đình để tẩu thoát, nhưng Ông Trùm biết rõ hậu quả tai hại sẽ không lường được. Đó là sẽ có nhiều cuộc lục soát, phạt tiền, bắt bớ những người vô tội, những điều mà Ông Trùm không bao giờ muốn xảy ra.

Mặc dù có cảm tình với Ông Trùm, quan Tổng đốc cũng không thể kính trọng đức tin của Ông Trùm được. Do đó nhiều lần quan dạy đem Ông Trùm Anrê Năm Thuông ra giữa công đường và khuyên dụ Ông Trùm bỏ đạo. Thật sự ông xử sự rất nhẹ nhàng, không biết rõ đạo cho lắm, với một lòng xót thương với Ông Trùm già, quan ép Ông Trùm bước qua Thánh giá:

“Ông hãy bỏ đạo ông đi, cách thầm lén cũng được, rồi trở về với gia đình, xưng tội, thì ông có bị thiệt thòi gì đâu?” Ông Trùm trả lời: “Thánh giá mà tôi thờ phượng hôm qua, tôi không thể đạp hôm nay được”.

Lần khác Ông Trùm trả lời: " Bị lưu đày và chết vì Chúa đáng mến chuộng hơn chối đạo ". Các bạn bè xác quyết : Ông Trùm Năm Thuông rất đạo đức, luôn cầu nguyện và năng lần hạt. Sau khi bị bắt 3 tháng, Ông Trùm bị kết án phải lưu đày tại Định Tường, tỉnh Mỹ tho, Nam kỳ. Con cái của Ông Trùm muốn can thiệp đút lót để giảm án, nhưng Ông Trùm không cho và nói lên một câu đầy lòng tin sâu xa: " Hãy để thánh ý Chúa được thành sự nơi tôi ". Khi bà con, bạn bè Công giáo cũng như lương dân, biết tin Ông Trùm sẽ phải đi lưu đày, họ đến biếu Ông Trùm nhiều tặng phẩm, nhưng Ông Trùm chân thành cảm ơn họ và không nhận gì cả.

Trước khi đi lưu đày, Ông Trùm viết thư cho Đức cha Stêphanô (thư dài, theo thể lục bát) đại ý như sau: “Cúi lạy Đức cha, xin ơn trên phù hộ cho Đức cha. Từ khi việc đạo gặp khó khăn, cha con ly biệt, lòng con phiền muộn thương nhớ Đức cha. Bởi tội lỗi con, nên phải lìa mặt Đức cha. Nay con lại phải xa cách hơn nữa là phải đi đày biệt xứ. Nhưng con trông cậy vào ơn Chúa và xin Đức Mẹ hộ phù cho con thắng trận, không sợ xa xôi cách trở, song biết vui lòng chịu cho sáng danh Chúa. Quả thật ma quỉ, thế gian, xác thịt là ba thù hằng quấy phá con, bởi vì anh em bạn hữu, con cháu nài nỉ con đổi ý. Vậy xin Đức cha cầu nguyện cho con vững lòng thực hiện điều lòng con đã quyết. Con lấy sự xa cách Đức cha làm cay đắng, con đã khóc nhiều. Con xin gởi Đức cha trông nom hai con yêu quí của con là cha Thủ và chị Nhường. Phần con đã già, đã gần mồ, chẳng quản nệ gì. Xin phú dâng mọi sự trong tay Chúa. Con xin mượn những lời đơn mọn nầy để từ giả cha nhân lành, hầu tỏ lòng con thương mến cha. Kính bái. Con vô phúc bất tài. Anrê Thuông ký”.

Mang gông trên vai, chân tay bị xiềng xích, Ông Trùm Anrê Năm Thuông và bốn đồng bạn khác bị toán lính áp tải đi lưu đày. Những người bị phát lưu, phải đi bộ qua các tỉnh Phú yên, Khánh hòa, Bình thuận. Quãng đường dài và cực nhọc, khi thì quanh co theo bờ biển, lúc thì len lỏi qua núi non hiểm trở, khi thì chui vào rừng sâu, lúc thì băng qua những đầm lầy, những đoạn đường đầy sỏi đá, những đoạn khác vượt qua bãi cát nóng cháy, có lúc phải đi qua những chiếc cầu tre lắc lẻo, lúc phải lội bộ qua sông.

Một ngày họ phải đi bộ từ bảy đến tám dặm như vậy, ngủ trong nhà tù thuộc các tỉnh hoặc tại công quán trong các làng xã. Họ cầu nguyện, chuyện trò với các lính gác, vui lòng chấp nhận những gian nan khốn khó của cuộc hành trình liên tục dai dẳng. chẳng bao lâu sức khỏe của Ông Trùm Năm Thuông sa sút trông thấy. Ông Trùm không thể đi theo kịp người khác. Người đứng đầu toán lính áp giải là một quan cấp nhỏ thương tình nới lỏng gông cho Ông Trùm. Nhờ vậy Ông Trùm già đỡ khổ đôi chút.

Lúc đi qua tỉnh Bình thuận, Ông Trùm sung sướng và được an ủi biết bao vì được xưng tội với người con thân yêu của mình là cha Giuse Nguyễn Kim Thủ. Cuối cùng đoàn người lưu đày đã đến Sài Gòn, thời gian đi bộ gần một năm sáu tháng. Nhờ sự dễ dãi của người miền Nam, Ông Trùm Anrê Năm Thuông tiếp chuyện với nhiều tín hữu Tây Đàng Trong ở vùng lân cận. Người ta tin là Ông Trùm có đến thăm Đức cha Lefèbre đang trốn lánh tại Thị Nghè. Mọi người đều nài nỉ xin người ở lại Sài Gòn nhưng Ông Trùm Năm Thuông từ chối vì nếu chấp nhận thì coi như Ông Trùm đã thoả hiệp. Ông Trùm muốn uống cạn chén đắng là ra đi đến tận nơi lưu đày càng sớm càng tốt.

Trong lúc sức khoẻ Ông Trùm suy nhược, cha Dược, cha sở Chợ quán ban Bí tích Giải tội và Bí tích Xức dầu cho Ông Trùm. Người ta đưa Ông Trùm lên thuyền đến Định Tường Mỹ Tho. Như vậy Ông Trùm đã đến được nơi phát lưu do nhà vua chỉ định.

Các đồng bạn bị phát lưu với Ông Trùm, đến Vĩnh Long rồi từ giã Ông Trùm. Họ đến nghỉ tại một cộng đoàn ở Cái Nhum. Được Đức cha Cuénot và Đức cha Lefèvbre cho tin: Họ chịu nhiều đau khổ và lập nhiều công đức, cha chính Borelle đã đến thăm họ. Họ cho ngài biết tình trạng nguy ngập của Ông Trùm Anrê Năm Thuông, lập tức ngày hôm sau, cha chính gửi đến một thầy thuốc giỏi. Khi thầy thuốc tới Mỹ tho, Ông Trùm Cả vùng truyền giáo Bình Định vừa tắt thở, hôm ấy ngày 15 tháng 07 năm 1855. Có năm tín hữu quây quanh bên giường vào phút cuối cùng của đời Ông Trùm. Cha chính địa phận Tây Đàng Trong ghi lại những chi tiết súc tích trong bài tường thuật sau đây:

" Gần giờ hấp hối, Ông Trùm Năm Thuông biết là quan đã chỉ định Bác Chiên (Gò Bắc, Cổ Chiên, Mỹ Tho), vùng biên giới của tỉnh, là nơi phát lưu của Ông Trùm, Ông Trùm khẩn khoản xin họ dẫn Ông Trùm đến đó để lễ tế của Ông Trùm được trọn vẹn. Chẳng bao lâu Ông Trùm bị hôn mê. Thỉnh thoảng tỉnh lại, Ông Trùm xin những người đứng xung quanh cầu nguyện thay cho Ông Trùm. Thấy Ông Trùm kiệt sức, họ muốn tháo bỏ xiềng xích cho Ông Trùm, để đỡ nguy kịch hơn trong cơn hấp hối, nhưng Ông Trùm từ chối và dùng sức lực héo tàn của Ông Trùm đọc Thánh vịnh sám hối và thêm một vài kinh kính Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là thánh danh được mấp máy trên môi, lúc Ông Trùm trút hơi thở cuối cùng " .

Đối với những người đã biết Ông Trùm, thì Ông Trùm Năm Thuông chết vì những khổ ải triền miên Ông Trùm phải chịu trong cảnh ngục tù, và vì những mệt nhọc cũng như những thiếu thốn kéo dài suốt cuộc hành trình lưu đày đến Mỹ tho.

Giáo hữu Vĩnh Long đã sang hợp tác với giáo hữu Định Tường rước thi hài Ông Trùm về Vĩnh Long an táng trọng thể tại Cái Nhum. Năm 1856, theo chỉ thị của Đức Giám Mục, các người con của Ông Trùm Anrê Năm Thuông là Thủ Ngọc và xã Quới đến tìm hài cốt cha của mình tại Cái Nhum. Họ đã đưa hài cốt Ông Trùm về Gò thị, các đại biểu mười lăm họ đạo ra nghênh đón long trọng. Hài cốt Ông Trùm Anrê được an táng tại nghĩa địa gia đình, phía trước nhà thờ Gò Thị. Hiện nay ngôi mộ vẫn còn và nhiều người quí mến người thầy, người ân nhân khả kính, đã đến kính viếng người.

Năm 1870 Đức cha Trí ( charbonier) tra xét sự tích tử đạo của Đức cha Thể và Trùm Cả Anrê lấy đầy đủ hồ sơ bằng chứng, gửi sang Rôma năm 1875 và ngày 13/02/1879, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tôn phong người lên bậc Đáng Kính. Năm 1890 Đức cha Hân (Van Camelbecke) thừa lệnh Toà thánh mở cuộc điều tra lần nữa và gửi hồ sơ qua Rôma. Đầu năm 1909, Đức cha Grangeon Mẫn thực hiện chỉ thị của Tòa Thánh cho lấy hài cốt và kiểm chứng theo giáo luật. Các xương lớn được gởi về Tòa Thánh, các xương khác được giáo phận trách nhiệm giữ gìn theo giáo luật. Ngày 02/05/19O9 Đức Giáo Hoàng Piô X đã tuyên phong Ông Trùm Trùm Anrê lên bậc chân phước.

Ngày 19/06/1988 tại đền thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong Ông Trùm Anrê Nguyễn Kim Thông lên hàng Hiển Thánh cùng với 116 vị Tử đạo Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adrien Launay, “Les trente-cinq Vénérables Serviteurs de Dieu”, Paris, P. Lethielleux, 1907, p. 53-59.

Tác giả bài viết: G. Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Lễ kính thánh bổn mạng 15-7.