Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

ƠN CỨU ĐỘ NGOÀI GIÁO HỘI?

ƠN CỨU ĐỘ NGOÀI GIÁO HỘI?

Văn hào André Malraux, từ những năm 60 của thế kỷ XX, đã từng nói: “Thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả.”[1] Lời tiên báo ấy quả là đã ứng nghiệm. Với khoa học kỹ thuật vượt trội, chưa bao giờ con người tạo ra được nhiều của cải vật chất như thời đại này; tuy nhiên, cũng chưa bao giờ nhu cầu tâm linh nói chung và tôn giáo nói riêng trở thành khẩn thiết cho con người và cuộc sống như hôm nay. Phải chăng, nhu cầu vật chất chưa phải là bến đỗ cuối cùng của con người, vì thế, họ tìm đến một sự giải thoát nơi tôn giáo. Vấn đề đặt ra là có phải tôn giáo nào cũng mang đến sự giải thoát đích thực cho họ không? hay nói như thánh Cyprien “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).

Những dòng sau đây sẽ đi sâu tìm hiểu châm ngôn “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” qua lịch sử Giáo hội và dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II với các phần sau:
 (1) Nguồn gốc và hoàn cảnh áp dụng của châm ngôn, (2) Sự tồn tại và ảnh hưởng của châm ngôn ấy trong lịch sử Giáo hội, (3) Quan điểm ơn cứu độ không biên giới, (4) Kết luận.

 


1. Nguồn gốc và hoàn cảnh áp dụng của châm ngôn

Năm 250, hoàng đế Dèce (249-251) tung ra một chiến dịch nhằm thiết lập sự thống nhất dân tộc và tôn giáo, buộc mọi công dân phải phụng thờ thần minh để ủng hộ ông. Các Kitô hữu phải lựa chọn hoặc là thờ ngẫu tượng hoặc là chịu tù đày, bắt bớ, thậm chí chịu chết. Hậu quả là nhiều người tử vì đạo, một số đông bỏ đạo hoặc bội giáo. Tuy nhiên, sau cuộc bách hại kéo dài không lâu ấy, những người bỏ đạo và bội giáo muốn trở lại Giáo hội. Trong bối cảnh đó, giữa Rôma, đại điện là Đức giáo hoàng Corneille và Catharge, đại diện là Cyprien không tìm được sự đồng thuận trong cách nhận những kẻ ‘sa ngã’ (lapsi) trở lại Giáo hội. Rôma chủ trương mềm dẻo, còn Catharge chủ trương cứng rắn; từ đó dẫn tới việc ra đời ly giáo Novatien, theo khuynh hướng mềm dẻo.[2]

Bất đồng giữa Cyprien và Giáo hoàng Corneille về sự việc trên chưa nguôi thì sự hòa hợp giữa Rôma và Catharge lại bị tổn thương dưới thời Giáo hoàng Stephane (254-257) về một số vấn đề của Giáo hội, đặc biệt là vấn đề ‘tính thành sự’ của Bí tích Rửa tội ban trong các cộng đồng lạc giáo và ly giáo. Khi tiếp nhận người ly giáo trở lại Giáo hội, Rôma cho rằng chỉ cần đặt tay trên người trở lại, vì Phép rửa đã thành sự; ngược lại ở Phi Châu, tiểu Á và Syria thì rửa tội lại tất cả vì cho rằng mọi phép rửa ban ngoài Giáo hội Công giáo đều bị coi là bất thành sự. Căng thẳng xảy ra trong nhiều năm và Cyprien đã tuyên bố: “Ngoài Giáo hội không có các bí tích thành sự, cũng không có ân sủng hay ơn cứu độ.”[3] Đây chính là tiền thân của công thức: “Extra Ecclesiam nulla salus.”

Từ hoàn cảnh lịch sử trên, chúng ta thấy rằng đối tượng Cyprien nhắm tới ở đây chính là những người lạc giáo và ly giáo – những kẻ cố tình chối bỏ đức tin và cắt đứt mối hiệp thông với Giáo hội hữu hình. Trong tác phẩm của mình, ngài gọi những người theo lạc giáo, ly giáo là những kẻ ngoại tình. Một cách thẳng thắn và dứt khoát hơn, ngài cho rằng: Ai quay lưng lại với Giáo hội của Chúa Kitô sẽ không được đón nhận phần thưởng của Người vì “Không có Giáo hội làm mẹ thì không thể có Thiên Chúa làm Cha”, “nếu có ai sống ngoài tàu Noe mà thoát được chết, thì chỉ lúc đó mới có kẻ sống ngoài Giáo hội mà được thoát chết.”[4]

Tuy nhiên, ‘nguyên tắc’ của Cyprien thường bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và được giải thích, áp dụng rộng rãi cho các đối tượng khác, gây ảnh hưởng sâu đậm trong truyền thống Kitô giáo và gần như trở thành ‘tín điều’.

2. Sự tồn tại và ảnh hưởng của châm ngôn ấy trong lịch sử Giáo hội

Tư tưởng của Cyprien không chỉ gây ảnh hưởng trong Giáo hội thời đại ngài, mà nó đã trở thành công thức và như ‘bức tường thành kiến’ tồn tại trong Giáo hội cho đến trước Công đồng Vatican II.

Truyền thống một số giáo phụ và thần học gia đã áp dụng công thức “Extra Ecclesiam nulla salus” cho cả người Do thái và dân ngoại.[5] Với giả thiết Tin mừng đã được loan báo khắp nơi và ai không muốn trở thành Kitô hữu thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì sự chọn lựa của mình. Sau đây chúng ta sẽ điểm qua tư tưởng trên của một số tác giả tiêu biểu.

-       Thánh Ambosio, sau khi nêu lên vai trò tối cần của việc tin vào Đức Kitô để được cứu độ, đã khẳng định yếu tố trung gian không thể thiếu của Giáo hội, ngài nói: “lòng thương xót của Chúa đã chuyển thông cho tất cả các nước ngang qua Giáo hội.”[6] Như thế, thánh nhân cho rằng chỉ có thể nhận được lòng thương xót Chúa khi ở trong Giáo hội.

-       Thánh Augustinô, khi nói về một giám mục ly giáo, đã cho rằng: “Ngoài Giáo hội, ông ta có thể có tất cả, ngoại trừ ơn cứu độ.”[7] Augustinô còn đi xa hơn khi ngài tuyên bố người Do thái và dân ngoại sau biến cố Đức Kitô thì chẳng có ai được cứu độ, nếu họ không tin vào Đức Giêsu và chịu Phép rửa. Hơn nữa ngài còn giải thích rằng những kẻ chưa được đón nhận Tin mừng tức là bị Thiên Chúa loại trừ và họ đáng bị phạt vì nguyên tội.[8] Một mặt, thánh nhân khẳng định yếu tố cần thiết để hưởng ơn cứu độ là đức tin và Giáo hội, mặt khác, ngài loại trừ và đổ lỗi cho họ khi chưa đủ lý chứng để kết tội. Vì thế, xu thế thần học này được xem là ‘thần học loại trừ.’

-       Tiếp nối tư tưởng Augustinô, Fulgence de Ruspe, một đồ đệ của ông, đã bảo vệ quan điểm trên của thầy mình. Trong tác phẩm “Về chân lý của việc tiền định”, ông quả quyết: “Chẳng nghi ngờ chút nào, đối với những người mà Ngài [Thiên Chúa] đã từ chối sự hiểu biết này, Ngài cũng từ chối ơn cứu độ.”[9] Ngoài ra, Fulgence còn cho rằng không có ơn cứu độ ngoài Giáo hội, cho dù người lạc giáo, ly giáo có bố thí rộng rãi, thậm chí tử vì đạo, vì họ không hiệp thông với Giáo hội Công giáo.[10]

-       Truyền thống ‘thần học loại trừ’ này tiếp tục ảnh hưởng sâu trong lòng Giáo hội. Việc hiệp thông với Giáo hội hữu hình được xem như là điều kiện thiết yếu để được hưởng ơn cứu độ. Chúng ta sẽ gặp thấy tư tưởng này trong các văn kiện chính thức của Giáo hội, sau Cyprien nhiều thế kỷ. Đức giáo hoàng Boniface VIII trong thông điệp Unam Sanctum (18/11/1302) đã viết: “…chúng tôi chắc chắn đặt niềm tin vào Giáo hội (duy nhất) đó và chân thành tuyên xưng rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ và ơn tha thứ tội lỗi.”[11] Công đồng Firence (1442) cũng lặp lại quan điểm ‘ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ’ và giải thích công thức của Cyprience cách bảo thủ, khép kín và gay gắt như sau: “Giáo hội Công giáo Rôma xác tín, tuyên xưng và rao giảng rằng chẳng một ai ở bên ngoài Giáo hội công giáo – không phải chỉ là những người ngoại giáo mà cả những người Do thái hay lạc giáo và ly giáo nữa – được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời được dành sẵn cho ác quỷ và các sứ thần của nó, nếu như ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội.”[12]

Tóm lại, từ một tuyên bố của Cyprien trong một hoàn cảnh cụ thể đã trở thành một châm ngôn thống trị trong quan điểm về ơn cứu độ qua Giáo hội trong gần 20 thế kỷ. Châm ngôn ấy đã trở thành điểm tựa cho ‘thần học loại trừ’ và được giải thích cách sai lạc, khắt khe khi mang nó ra khỏi bối cảnh nguyên thủy và được đặt vào những hoàn cảnh khác biệt, nhiều khi hoàn toàn trái ngược.

3. Ơn cứu độ không biên giới

Phải thừa nhận rằng châm ngôn của thánh Cyprien, qua sự nhào nắn của các giáo phụ và giáo quyền, đã ảnh hưởng nặng nề và ngự trị dai dẳng nơi quan điểm của Giáo hội từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XX. Cuối thế kỷ XV, sau khi Columbus khám phá ra châu Mỹ, Giáo hội đã biết rằng có một lục địa rộng lớn bên kia đại dương chưa được biết đến Đức Kitô và Tin mừng, vì thế người ta bắt đầu mềm dẻo hơn khi giải thích châm ngôn ấy. Tuy nhiên, não trạng loại trừ ấy cũng âm ỉ luân chuyển trong lòng Giáo hội cho đến tận Công đồng Vatican II. Dưới ánh sáng của các văn kiện của Công đồng, lập trường của Giáo hội đã hoàn toàn thay đổi.

Trước khi đi tìm hiểu văn kiện công đồng, chúng ta cùng nhìn lại nguồn Kinh Thánh liên quan đến ơn cứu độ. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,3). Ngay từ thời Cựu Ước, khi sai Giona đến kêu gọi dân Ninive ăn năn sám hối, ông chỉ được sai đến để nói cho họ biết hậu quả của tội lỗi, chứ không bảo họ bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo của Israel. Sự hoán cải của họ đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.Gn 3,1-10). Đối với dân Israel, tuy là dân ưu tuyển để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ, tuy nhiên, Ngài không khẳng định ơn cứu độ chỉ ban cho họ mà thôi, nhưng qua họ để mang ơn cứu độ đến cho muôn dân.[13]

Đến thời Tân Ước, qua biến cố Đức Kitô, ơn cứu độ đã được thực hiện cách thành toàn. Ơn cứu độ Ngài thực hiện mang tính phổ quát, áp dụng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời. Lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi lên trời đã chứng thực điều đó (x.Mc 16,15-16). Vì thế, Đức Kitô trở thành Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ Người muôn vật được tạo thành, cũng nhờ người muôn loài được ơn cứu độ(x. Cv 4,12). Chính Người cũng ủy thác cho Giáo hội phân phát các mầu nhiệm cứu độ cho muôn dân. Như thế, Đức Kitô và Giáo hội là hai yếu tố cần thiết để được cứu độ?

Trong thư của thánh bộ Giáo lý đức tin gửi Giám mục Boston có phân biệt ‘cần thiết phương tiện’ và ‘cần thiết nội tại’. Cần thiết nội tại đó là đức tin và đức ái phát xuất và đặt nền tảng nơi Đức Kitô, nói cách khác, Đức Kitô cần thiết tuyệt đối cho ơn cứu độ.[14] Còn việc gia nhập Giáo hội chỉ là cần thiết phương tiện, không có hiệu lực trong những trường hợp bất khả kháng.[15] Đây cũng chính là nội dung tư tưởng được đề cập trong Lumen Gentium 16.

Dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, chúng ta có thể giải thích công thức của thánh Cyprien như sau: Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chính Người đã tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, khi ban Thánh Thần trên họ. Cũng chính Người là đầu trong thân thể huyền nhiệm ấy.[16] Mặt khác, Đức Kitô chính là Đấng cứu độ duy nhất, ngoài Người ra không ai có thể đem lại ơn cứu độ. Như thế, ngoài Đức Kitô, không có ơn cứu độ đồng nghĩa với ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Chúng ta cần hiểu rằng Giáo hội – thân thể Chúa Kitô bao gồm những người kết hiệp với mầu nhiệm Vượt qua của Người. Giáo hội còn là một thực thể mầu nhiệm, là sự hiệp thông thiêng liêng gồm tất cả mọi người công chính từ khởi nguyên vũ trụ đến ngày tận thế.[17] Hơn nữa, Đức Kitô được nói tới ở đây chính là Đức Kitô siêu việt. Ngài chính là Ngôi Lời Thiên Chúa từ nguyên thủy (Ga 1,1), Đấng không chỉ là tác giả của công trình tạo dựng mà còn là nguồn mạch ơn cứu độ.[18] Ơn cứu độ đó dành cho tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời, bất luận họ sống trong hay ngoài Giáo hội hữu hình, trước hay sau Đức Kitô lịch sử.

Trên đây chúng ta mới đề cập đến những người kết hợp với Mầu Nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, còn những người chưa biết đến Ngài và những kẻ cố tình chống đối thì sao?

Dựa vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, Công đồng Vatican II với hiến chế Lumen Gentium khẳng định: “những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.”[19] Giáo hội, dưới ánh sáng của Công đồng, không hề loại trừ ai, nhưng trao phó tất cả vào lòng nhân từ Chúa. Giáo hội tin rằng những ai vô tình không biết Chúa, nhưng theo tiếng lương tâm mà ăn ở ngay chính trước mặt Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ không từ chối ban ơn cứu độ cho họ.

Hơn nữa, Giáo hội cũng nhìn nhận những ‘Mầm Ngôi Lời’, những điều chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác, những điều đó có thể đem lại ánh sáng và chân lý cho con người.[20] Giáo hội tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ có cách cứu độ họ.[21] Với tư tưởng này, Giáo hội thực sự đã mở ra với thế giới và tạo một viễn cảnh đầy hy vọng cho nổ lực đối thoại liên tôn của mình.

Ngược lại, đối với những người thuộc về Giáo hội hữu hình, Giáo hội có một lập trường khá cứng rắn với những ai dù biết, vẫn cố tình không tin nhận Đức Kitô, chối từ ân sủng. Hiến chế chỉ rõ:“những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.”[22] Ở đây thực sự là một lời giải thích thỏa đáng cho tuyên ngôn của thánh Cyprien. Quả thật, lỗi cố tình này nhiều khi được cho là tội phạm đến Chúa Thánh Thần – cố tình chối từ ơn thánh và những phương tiện cần thiết để được cứu độ – ắt hẳn sẽ không được hưởng ơn cứu độ. Văn kiện trên còn nhấn mạnh rằng để lãnh ơn cứu độ con người phải có thái độ tích cực chứ không phải thụ động. Những người đang sống trong Giáo hội, nhưng “nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.”[23]

Tóm lại, với ơn soi dẫn của Thánh Thần và dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Giáo hội đã có một lối nhìn đúng đắn và cởi mở hơn về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, Giáo hội đã chính thức nhìn nhận mình chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Trên tất cả, quyền năng cứu độ là của Thiên Chúa.

Kết luận

Thiên Chúa dựng nên con người là để cho họ chia sẻ niềm hạnh phúc vô biên của Người. Người muốn cứu độ không những con người mà cả vạn vật nữa. Trong một thế giới đa nguyên tôn giáo, con người rất khó xác định được hướng đi của của đời mình để có thể đạt được ơn cứu độ. Tuy nhiên, số phận chung cuộc của con người đều nằm trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa, và Người có cách để đưa vạn vật tới viên mãn. Phần chúng ta, chúng ta không có quyền kết án, loại trừ ai và cho ai vào hỏa ngục hay lên thiên đàng.

Chúng ta vẫn luôn xác tín rằng ơn cứu độ chỉ có nơi Đức Kitô và Giáo hội là phương tiện chuyển giao hồng ân ấy. Vì thế, Giáo hội không ngừng nổ lực loan truyền và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Trong hồng ân Năm Đức Tin mà Giáo hội khai mở cho chúng ta, chúng ta tái khám phá kho tàng đức tin của Giáo hội, đồng thời canh tân đời sống đức tin của mình và thông truyền đức tin ấy, để mọi người, mọi dân tộc sớm nhận biết Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Xin mượn lời của văn kiện Thượng hội đồng Giám mục thế giới thứ 13 để thắp lên niềm hy vọng cho nhân loại trong khi Giáo hội nổ lực thông truyền đức tin: “Hồng ân của Thiên Chúa mà đức tin làm cho hiện diện, không phải chỉ là một lời hứa hẹn các điều kiện tốt đẹp hơn ở trần thế này, nhưng còn là lời loan báo rằng ý nghĩa tối hậu của cuộc sống chúng ta đi xa hơn trần thế này, trong sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi chúng ta vào cuối thời gian.”[24]

Phêrô Nguyễn Văn Ninh
 Đại chủng viện Vinh Thanh

[1] P. Nguyễn Thái Hợp, Để Họ lớn lên, (Sài Gòn, Đức tin và Văn hóa, 2007), 141.
 [2] Simon Hòa Đalạt, Lịch sử các Giáo Phụ tập 1, (Đại chủng viện Vinh-Thanh, 2012), 129.
 [3] Simon Hòa Đalạt, Lịch sử các Giáo Phụ tập 1, 135-136.
 [4] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, (Đại chủng viện Thánh Giuse), 100.
 [5] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, (Houston, Dấn thân, 2004), 78.
 [6] Ambrosio, In Ps.118, Sermo 8,57.
 [7] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 78.
 [8] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 79.
 [9] Fulgence de Ruspe, De veritate praedestinations 3,16.
 [10] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, 125.
 [11] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, 141.
 [12] Denzinger, Symboles et definitions de la foi cathelique, (Paris, Cerf, 1996), 1351.
 [13] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, n.d Đaminh Nguyễn Đức Thông, (Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012), 238.
 [14] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, 238.
 [15] P. Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 85.
 [16] Lumen Gentium 7, trong Công đồng Vatican II (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng học viên Piô X, 1972), 151-152.
 [17] Lumen Gentium 2, trong Công đồng Vatican II, 145.
 [18] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, 245.
 [19] Lumen Gentium 16, trong Công đồng Vatican II, 172.
 [20] Nostra Aetate 2, trong Công đồng Vatican II (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng học viên Piô X, 1972), 470.
 [21] Phạm Quang Long, “Có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?”, 2012, http://www.simonhoadalat.com, truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2012.
 [22] Lumen Gentium 14, trong Công đồng Vatican II, 169.
 [23] Lumen Gentium 14, trong Công đồng Vatican II, 170.
 [24] Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới thứ 13, 7, n.d Trần Đức Anh, http://tonggiaophanhue.net, truy cập ngày 14/12/2012.


 Nguồn: lamhong.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét