Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

ƠN CỨU ĐỘ NGOÀI GIÁO HỘI?

ƠN CỨU ĐỘ NGOÀI GIÁO HỘI?

Văn hào André Malraux, từ những năm 60 của thế kỷ XX, đã từng nói: “Thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc sẽ chẳng là gì cả.”[1] Lời tiên báo ấy quả là đã ứng nghiệm. Với khoa học kỹ thuật vượt trội, chưa bao giờ con người tạo ra được nhiều của cải vật chất như thời đại này; tuy nhiên, cũng chưa bao giờ nhu cầu tâm linh nói chung và tôn giáo nói riêng trở thành khẩn thiết cho con người và cuộc sống như hôm nay. Phải chăng, nhu cầu vật chất chưa phải là bến đỗ cuối cùng của con người, vì thế, họ tìm đến một sự giải thoát nơi tôn giáo. Vấn đề đặt ra là có phải tôn giáo nào cũng mang đến sự giải thoát đích thực cho họ không? hay nói như thánh Cyprien “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).

Những dòng sau đây sẽ đi sâu tìm hiểu châm ngôn “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” qua lịch sử Giáo hội và dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II với các phần sau:
 (1) Nguồn gốc và hoàn cảnh áp dụng của châm ngôn, (2) Sự tồn tại và ảnh hưởng của châm ngôn ấy trong lịch sử Giáo hội, (3) Quan điểm ơn cứu độ không biên giới, (4) Kết luận.

 


1. Nguồn gốc và hoàn cảnh áp dụng của châm ngôn

Năm 250, hoàng đế Dèce (249-251) tung ra một chiến dịch nhằm thiết lập sự thống nhất dân tộc và tôn giáo, buộc mọi công dân phải phụng thờ thần minh để ủng hộ ông. Các Kitô hữu phải lựa chọn hoặc là thờ ngẫu tượng hoặc là chịu tù đày, bắt bớ, thậm chí chịu chết. Hậu quả là nhiều người tử vì đạo, một số đông bỏ đạo hoặc bội giáo. Tuy nhiên, sau cuộc bách hại kéo dài không lâu ấy, những người bỏ đạo và bội giáo muốn trở lại Giáo hội. Trong bối cảnh đó, giữa Rôma, đại điện là Đức giáo hoàng Corneille và Catharge, đại diện là Cyprien không tìm được sự đồng thuận trong cách nhận những kẻ ‘sa ngã’ (lapsi) trở lại Giáo hội. Rôma chủ trương mềm dẻo, còn Catharge chủ trương cứng rắn; từ đó dẫn tới việc ra đời ly giáo Novatien, theo khuynh hướng mềm dẻo.[2]

Bất đồng giữa Cyprien và Giáo hoàng Corneille về sự việc trên chưa nguôi thì sự hòa hợp giữa Rôma và Catharge lại bị tổn thương dưới thời Giáo hoàng Stephane (254-257) về một số vấn đề của Giáo hội, đặc biệt là vấn đề ‘tính thành sự’ của Bí tích Rửa tội ban trong các cộng đồng lạc giáo và ly giáo. Khi tiếp nhận người ly giáo trở lại Giáo hội, Rôma cho rằng chỉ cần đặt tay trên người trở lại, vì Phép rửa đã thành sự; ngược lại ở Phi Châu, tiểu Á và Syria thì rửa tội lại tất cả vì cho rằng mọi phép rửa ban ngoài Giáo hội Công giáo đều bị coi là bất thành sự. Căng thẳng xảy ra trong nhiều năm và Cyprien đã tuyên bố: “Ngoài Giáo hội không có các bí tích thành sự, cũng không có ân sủng hay ơn cứu độ.”[3] Đây chính là tiền thân của công thức: “Extra Ecclesiam nulla salus.”

Từ hoàn cảnh lịch sử trên, chúng ta thấy rằng đối tượng Cyprien nhắm tới ở đây chính là những người lạc giáo và ly giáo – những kẻ cố tình chối bỏ đức tin và cắt đứt mối hiệp thông với Giáo hội hữu hình. Trong tác phẩm của mình, ngài gọi những người theo lạc giáo, ly giáo là những kẻ ngoại tình. Một cách thẳng thắn và dứt khoát hơn, ngài cho rằng: Ai quay lưng lại với Giáo hội của Chúa Kitô sẽ không được đón nhận phần thưởng của Người vì “Không có Giáo hội làm mẹ thì không thể có Thiên Chúa làm Cha”, “nếu có ai sống ngoài tàu Noe mà thoát được chết, thì chỉ lúc đó mới có kẻ sống ngoài Giáo hội mà được thoát chết.”[4]

Tuy nhiên, ‘nguyên tắc’ của Cyprien thường bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và được giải thích, áp dụng rộng rãi cho các đối tượng khác, gây ảnh hưởng sâu đậm trong truyền thống Kitô giáo và gần như trở thành ‘tín điều’.

2. Sự tồn tại và ảnh hưởng của châm ngôn ấy trong lịch sử Giáo hội

Tư tưởng của Cyprien không chỉ gây ảnh hưởng trong Giáo hội thời đại ngài, mà nó đã trở thành công thức và như ‘bức tường thành kiến’ tồn tại trong Giáo hội cho đến trước Công đồng Vatican II.

Truyền thống một số giáo phụ và thần học gia đã áp dụng công thức “Extra Ecclesiam nulla salus” cho cả người Do thái và dân ngoại.[5] Với giả thiết Tin mừng đã được loan báo khắp nơi và ai không muốn trở thành Kitô hữu thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì sự chọn lựa của mình. Sau đây chúng ta sẽ điểm qua tư tưởng trên của một số tác giả tiêu biểu.

-       Thánh Ambosio, sau khi nêu lên vai trò tối cần của việc tin vào Đức Kitô để được cứu độ, đã khẳng định yếu tố trung gian không thể thiếu của Giáo hội, ngài nói: “lòng thương xót của Chúa đã chuyển thông cho tất cả các nước ngang qua Giáo hội.”[6] Như thế, thánh nhân cho rằng chỉ có thể nhận được lòng thương xót Chúa khi ở trong Giáo hội.

-       Thánh Augustinô, khi nói về một giám mục ly giáo, đã cho rằng: “Ngoài Giáo hội, ông ta có thể có tất cả, ngoại trừ ơn cứu độ.”[7] Augustinô còn đi xa hơn khi ngài tuyên bố người Do thái và dân ngoại sau biến cố Đức Kitô thì chẳng có ai được cứu độ, nếu họ không tin vào Đức Giêsu và chịu Phép rửa. Hơn nữa ngài còn giải thích rằng những kẻ chưa được đón nhận Tin mừng tức là bị Thiên Chúa loại trừ và họ đáng bị phạt vì nguyên tội.[8] Một mặt, thánh nhân khẳng định yếu tố cần thiết để hưởng ơn cứu độ là đức tin và Giáo hội, mặt khác, ngài loại trừ và đổ lỗi cho họ khi chưa đủ lý chứng để kết tội. Vì thế, xu thế thần học này được xem là ‘thần học loại trừ.’

-       Tiếp nối tư tưởng Augustinô, Fulgence de Ruspe, một đồ đệ của ông, đã bảo vệ quan điểm trên của thầy mình. Trong tác phẩm “Về chân lý của việc tiền định”, ông quả quyết: “Chẳng nghi ngờ chút nào, đối với những người mà Ngài [Thiên Chúa] đã từ chối sự hiểu biết này, Ngài cũng từ chối ơn cứu độ.”[9] Ngoài ra, Fulgence còn cho rằng không có ơn cứu độ ngoài Giáo hội, cho dù người lạc giáo, ly giáo có bố thí rộng rãi, thậm chí tử vì đạo, vì họ không hiệp thông với Giáo hội Công giáo.[10]

-       Truyền thống ‘thần học loại trừ’ này tiếp tục ảnh hưởng sâu trong lòng Giáo hội. Việc hiệp thông với Giáo hội hữu hình được xem như là điều kiện thiết yếu để được hưởng ơn cứu độ. Chúng ta sẽ gặp thấy tư tưởng này trong các văn kiện chính thức của Giáo hội, sau Cyprien nhiều thế kỷ. Đức giáo hoàng Boniface VIII trong thông điệp Unam Sanctum (18/11/1302) đã viết: “…chúng tôi chắc chắn đặt niềm tin vào Giáo hội (duy nhất) đó và chân thành tuyên xưng rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ và ơn tha thứ tội lỗi.”[11] Công đồng Firence (1442) cũng lặp lại quan điểm ‘ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ’ và giải thích công thức của Cyprience cách bảo thủ, khép kín và gay gắt như sau: “Giáo hội Công giáo Rôma xác tín, tuyên xưng và rao giảng rằng chẳng một ai ở bên ngoài Giáo hội công giáo – không phải chỉ là những người ngoại giáo mà cả những người Do thái hay lạc giáo và ly giáo nữa – được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời được dành sẵn cho ác quỷ và các sứ thần của nó, nếu như ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội.”[12]

Tóm lại, từ một tuyên bố của Cyprien trong một hoàn cảnh cụ thể đã trở thành một châm ngôn thống trị trong quan điểm về ơn cứu độ qua Giáo hội trong gần 20 thế kỷ. Châm ngôn ấy đã trở thành điểm tựa cho ‘thần học loại trừ’ và được giải thích cách sai lạc, khắt khe khi mang nó ra khỏi bối cảnh nguyên thủy và được đặt vào những hoàn cảnh khác biệt, nhiều khi hoàn toàn trái ngược.

3. Ơn cứu độ không biên giới

Phải thừa nhận rằng châm ngôn của thánh Cyprien, qua sự nhào nắn của các giáo phụ và giáo quyền, đã ảnh hưởng nặng nề và ngự trị dai dẳng nơi quan điểm của Giáo hội từ thế kỷ IV đến giữa thế kỷ XX. Cuối thế kỷ XV, sau khi Columbus khám phá ra châu Mỹ, Giáo hội đã biết rằng có một lục địa rộng lớn bên kia đại dương chưa được biết đến Đức Kitô và Tin mừng, vì thế người ta bắt đầu mềm dẻo hơn khi giải thích châm ngôn ấy. Tuy nhiên, não trạng loại trừ ấy cũng âm ỉ luân chuyển trong lòng Giáo hội cho đến tận Công đồng Vatican II. Dưới ánh sáng của các văn kiện của Công đồng, lập trường của Giáo hội đã hoàn toàn thay đổi.

Trước khi đi tìm hiểu văn kiện công đồng, chúng ta cùng nhìn lại nguồn Kinh Thánh liên quan đến ơn cứu độ. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,3). Ngay từ thời Cựu Ước, khi sai Giona đến kêu gọi dân Ninive ăn năn sám hối, ông chỉ được sai đến để nói cho họ biết hậu quả của tội lỗi, chứ không bảo họ bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo của Israel. Sự hoán cải của họ đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.Gn 3,1-10). Đối với dân Israel, tuy là dân ưu tuyển để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ, tuy nhiên, Ngài không khẳng định ơn cứu độ chỉ ban cho họ mà thôi, nhưng qua họ để mang ơn cứu độ đến cho muôn dân.[13]

Đến thời Tân Ước, qua biến cố Đức Kitô, ơn cứu độ đã được thực hiện cách thành toàn. Ơn cứu độ Ngài thực hiện mang tính phổ quát, áp dụng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời. Lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi lên trời đã chứng thực điều đó (x.Mc 16,15-16). Vì thế, Đức Kitô trở thành Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ Người muôn vật được tạo thành, cũng nhờ người muôn loài được ơn cứu độ(x. Cv 4,12). Chính Người cũng ủy thác cho Giáo hội phân phát các mầu nhiệm cứu độ cho muôn dân. Như thế, Đức Kitô và Giáo hội là hai yếu tố cần thiết để được cứu độ?

Trong thư của thánh bộ Giáo lý đức tin gửi Giám mục Boston có phân biệt ‘cần thiết phương tiện’ và ‘cần thiết nội tại’. Cần thiết nội tại đó là đức tin và đức ái phát xuất và đặt nền tảng nơi Đức Kitô, nói cách khác, Đức Kitô cần thiết tuyệt đối cho ơn cứu độ.[14] Còn việc gia nhập Giáo hội chỉ là cần thiết phương tiện, không có hiệu lực trong những trường hợp bất khả kháng.[15] Đây cũng chính là nội dung tư tưởng được đề cập trong Lumen Gentium 16.

Dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, chúng ta có thể giải thích công thức của thánh Cyprien như sau: Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chính Người đã tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, khi ban Thánh Thần trên họ. Cũng chính Người là đầu trong thân thể huyền nhiệm ấy.[16] Mặt khác, Đức Kitô chính là Đấng cứu độ duy nhất, ngoài Người ra không ai có thể đem lại ơn cứu độ. Như thế, ngoài Đức Kitô, không có ơn cứu độ đồng nghĩa với ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Chúng ta cần hiểu rằng Giáo hội – thân thể Chúa Kitô bao gồm những người kết hiệp với mầu nhiệm Vượt qua của Người. Giáo hội còn là một thực thể mầu nhiệm, là sự hiệp thông thiêng liêng gồm tất cả mọi người công chính từ khởi nguyên vũ trụ đến ngày tận thế.[17] Hơn nữa, Đức Kitô được nói tới ở đây chính là Đức Kitô siêu việt. Ngài chính là Ngôi Lời Thiên Chúa từ nguyên thủy (Ga 1,1), Đấng không chỉ là tác giả của công trình tạo dựng mà còn là nguồn mạch ơn cứu độ.[18] Ơn cứu độ đó dành cho tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời, bất luận họ sống trong hay ngoài Giáo hội hữu hình, trước hay sau Đức Kitô lịch sử.

Trên đây chúng ta mới đề cập đến những người kết hợp với Mầu Nhiệm vượt qua của Đức Giêsu, còn những người chưa biết đến Ngài và những kẻ cố tình chống đối thì sao?

Dựa vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, Công đồng Vatican II với hiến chế Lumen Gentium khẳng định: “những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.”[19] Giáo hội, dưới ánh sáng của Công đồng, không hề loại trừ ai, nhưng trao phó tất cả vào lòng nhân từ Chúa. Giáo hội tin rằng những ai vô tình không biết Chúa, nhưng theo tiếng lương tâm mà ăn ở ngay chính trước mặt Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ không từ chối ban ơn cứu độ cho họ.

Hơn nữa, Giáo hội cũng nhìn nhận những ‘Mầm Ngôi Lời’, những điều chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác, những điều đó có thể đem lại ánh sáng và chân lý cho con người.[20] Giáo hội tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ có cách cứu độ họ.[21] Với tư tưởng này, Giáo hội thực sự đã mở ra với thế giới và tạo một viễn cảnh đầy hy vọng cho nổ lực đối thoại liên tôn của mình.

Ngược lại, đối với những người thuộc về Giáo hội hữu hình, Giáo hội có một lập trường khá cứng rắn với những ai dù biết, vẫn cố tình không tin nhận Đức Kitô, chối từ ân sủng. Hiến chế chỉ rõ:“những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.”[22] Ở đây thực sự là một lời giải thích thỏa đáng cho tuyên ngôn của thánh Cyprien. Quả thật, lỗi cố tình này nhiều khi được cho là tội phạm đến Chúa Thánh Thần – cố tình chối từ ơn thánh và những phương tiện cần thiết để được cứu độ – ắt hẳn sẽ không được hưởng ơn cứu độ. Văn kiện trên còn nhấn mạnh rằng để lãnh ơn cứu độ con người phải có thái độ tích cực chứ không phải thụ động. Những người đang sống trong Giáo hội, nhưng “nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.”[23]

Tóm lại, với ơn soi dẫn của Thánh Thần và dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Giáo hội đã có một lối nhìn đúng đắn và cởi mở hơn về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, Giáo hội đã chính thức nhìn nhận mình chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Trên tất cả, quyền năng cứu độ là của Thiên Chúa.

Kết luận

Thiên Chúa dựng nên con người là để cho họ chia sẻ niềm hạnh phúc vô biên của Người. Người muốn cứu độ không những con người mà cả vạn vật nữa. Trong một thế giới đa nguyên tôn giáo, con người rất khó xác định được hướng đi của của đời mình để có thể đạt được ơn cứu độ. Tuy nhiên, số phận chung cuộc của con người đều nằm trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa, và Người có cách để đưa vạn vật tới viên mãn. Phần chúng ta, chúng ta không có quyền kết án, loại trừ ai và cho ai vào hỏa ngục hay lên thiên đàng.

Chúng ta vẫn luôn xác tín rằng ơn cứu độ chỉ có nơi Đức Kitô và Giáo hội là phương tiện chuyển giao hồng ân ấy. Vì thế, Giáo hội không ngừng nổ lực loan truyền và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Trong hồng ân Năm Đức Tin mà Giáo hội khai mở cho chúng ta, chúng ta tái khám phá kho tàng đức tin của Giáo hội, đồng thời canh tân đời sống đức tin của mình và thông truyền đức tin ấy, để mọi người, mọi dân tộc sớm nhận biết Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Xin mượn lời của văn kiện Thượng hội đồng Giám mục thế giới thứ 13 để thắp lên niềm hy vọng cho nhân loại trong khi Giáo hội nổ lực thông truyền đức tin: “Hồng ân của Thiên Chúa mà đức tin làm cho hiện diện, không phải chỉ là một lời hứa hẹn các điều kiện tốt đẹp hơn ở trần thế này, nhưng còn là lời loan báo rằng ý nghĩa tối hậu của cuộc sống chúng ta đi xa hơn trần thế này, trong sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi chúng ta vào cuối thời gian.”[24]

Phêrô Nguyễn Văn Ninh
 Đại chủng viện Vinh Thanh

[1] P. Nguyễn Thái Hợp, Để Họ lớn lên, (Sài Gòn, Đức tin và Văn hóa, 2007), 141.
 [2] Simon Hòa Đalạt, Lịch sử các Giáo Phụ tập 1, (Đại chủng viện Vinh-Thanh, 2012), 129.
 [3] Simon Hòa Đalạt, Lịch sử các Giáo Phụ tập 1, 135-136.
 [4] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, (Đại chủng viện Thánh Giuse), 100.
 [5] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, (Houston, Dấn thân, 2004), 78.
 [6] Ambrosio, In Ps.118, Sermo 8,57.
 [7] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 78.
 [8] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 79.
 [9] Fulgence de Ruspe, De veritate praedestinations 3,16.
 [10] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, 125.
 [11] Peter Neuner, Giáo Hội Học qua các tác giả, 141.
 [12] Denzinger, Symboles et definitions de la foi cathelique, (Paris, Cerf, 1996), 1351.
 [13] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, n.d Đaminh Nguyễn Đức Thông, (Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012), 238.
 [14] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, 238.
 [15] P. Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học các tôn giáo, 85.
 [16] Lumen Gentium 7, trong Công đồng Vatican II (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng học viên Piô X, 1972), 151-152.
 [17] Lumen Gentium 2, trong Công đồng Vatican II, 145.
 [18] Gerard O’Collins, S,J., Thần học căn bản, 245.
 [19] Lumen Gentium 16, trong Công đồng Vatican II, 172.
 [20] Nostra Aetate 2, trong Công đồng Vatican II (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng học viên Piô X, 1972), 470.
 [21] Phạm Quang Long, “Có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?”, 2012, http://www.simonhoadalat.com, truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2012.
 [22] Lumen Gentium 14, trong Công đồng Vatican II, 169.
 [23] Lumen Gentium 14, trong Công đồng Vatican II, 170.
 [24] Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới thứ 13, 7, n.d Trần Đức Anh, http://tonggiaophanhue.net, truy cập ngày 14/12/2012.


 Nguồn: lamhong.org

THƯỢNG ĐẾ CÓ HAY KHÔNG?

THƯỢNG ĐẾ CÓ HAY KHÔNG?
 Câu trả lời của Gautama Buddha.

Sài gòn ngày Chúa Nhật 25/5/2014.
 Quý mến tặng Anh Phạm Việt Hưng và Anh Bùi Hoằng Vị.

1. Có vài điều, khi còn tại thế, Gautama Buddha đã không trả lời. Ngài không nói nó đúng, ngài không nói nó sai. Ngài không nói nó bé, ngài không nói nó lớn. Ngài không nói nó xấu, ngài không nói nó đẹp. Ngài không nói nó tồn tại, ngài không nói nó không tồn tại. Không trả lời, ngài im lặng.

Có mười bốn câu hỏi như vậy, ngài không trả lời. Mười bốn câu hỏi, thuộc bốn chủ đề. Ngài không trả lời về sự vô cùng của Không gian. Ngài không trả lời về các thuộc tính của Thời gian, những khái niệm về trước của quá khứ, những khái niệm về sau của tương lai. Ngài không trả lời về Linh hồn, cái nối tiếp giữa các kiếp đời. Ngài không trả lời về Thượng đế, Đấng sáng tạo đã tạo ra mọi thứ.

Đó là bốn chủ đề, ngài không trả lời; ngài im lặng.

Có phải chăng, trong thế giới này, với bốn chủ đề này, câu trả lời, dường như là không có.  Từ khi Gautama Buddha im lặng, bốn chủ đề này, ngàn năm nay luôn là nỗi trăn trở của người tìm kiếm, của các học giả, của các triết gia, của các nhà khoa học… Có phải chăng, khi đã có câu trả lời, thì người tìm kiếm không còn cần đến nó nữa? Người tìm kiếm đã BIẾT, khi đã thấy cái họ cần biết, thì mọi câu trả lời là vô nghĩa? Câu trả lời được kinh nghiệm trong im lặng; ngôn từ không thể diễn đạt, có phải chăng là vậy?

Hay là còn, còn một lý do nào khác nữa, mà Gatama Buddha đã im lặng?

2. Gatama Buddha xuất hiện cách đây 2.500 năm. Thời điểm ngài xuất hiện đó là thời điểm đặc biệt. Thời điểm đó, trên thế giới, cũng có rất nhiều các bậc thầy trí huệ khác, xuất hiện. Dường như không phải ngẫu nhiên, các bậc thầy rủ nhau cùng xuất hiện. Vào thời đó, ở India có Gautama Buddha, có Mahavira; sau Gautama là Buddhism với tín đồ lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ người; sau Mahavira là Jainism đã từng là một tôn giáo lớn ở India với giáo lý khổ hạnh và tư tưởng bất hại. China có Lao Tzu; sau Lao Tzu là Taoism, ngày nay có mặt tại China, Korea, Japan, Vietnam, Singapore,… Nhiều nơi khác nữa, rất nhiều các bậc trí huệ xuất hiện. Ở Iran có Zarathustra; ở Anatolia có Heracleitos; ở Egypt có Toth; ở Greece có Thales, có Pythagoras, có Socrates,… Thales, Pythagoras, Socrates những con người này, họ không chỉ là triết gia, nhà toán học, nhà thơ,… hơn hết họ là những nhà huyền học. Họ dạy cả công truyền và họ dạy cả mật truyền. Họ dạy về những con số, những đường thẳng song song, về tam giác… Và họ cũng dạy cả về những lời khải huyền, các tầng  giáo lý thâm sâu. Rất nhiều bậc trí huệ, xuất hiện vào thời điểm đó. Sau đó muộn mằn hơn, bốn năm trăm năm sau, là sự xuất hiện của Jesus Christ.

Dù là tình yêu, từ bi hay là trách nhiệm, các bậc thầy trí tuệ đã đồng loạt xuất hiện. Họ đã xuất hiện, xuất hiện theo kiến thức của Zodiac, Cung Hoàng đạo. Họ đã xuất hiện tại thời điểm chuyển thời của Trái đất, thời điểm chuyển thời của Hệ Mặt trời. Sự xuất hiện của họ dường như để chuẩn bị cho con người đón thời Pisces – Song ngư; thời mà con người phải nhọc nhằn hơn, nếu muốn đi về phía Ánh sáng. Sự xuất hiện đồng loạt của các Đạo sư, dường như để báo hiệu rằng, những giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết và trinh nguyên không còn hợp với con người lịch sử. Con người mà tần số dao động giáng xuống. Con người mà các luân xa đã bị đóng lại, đang khoác lên mình những tấm vỏ bọc giả tạo. Con người đã chìm đắm trong vật chất. Những con người đó cần thiết phải có những con đường thích hợp. Các bậc thầy trí huệ đã xuất hiện; lập ra các con đường cho các quốc gia, cho các dân tộc; phù hợp với địa lý, phù hợp vơi lịch sử, phù hợp với văn hoá của họ; hơn cả là phù hợp với con người trong một Thời mới.

Gautama Buddha đã im lặng trước câu hỏi Thượng đế, Linh hồn. Ngài không nói có, ngài không nói không, ngài đã im lặng. Ngài nói về: Vô ngã, Tính không, Luân hồi và Niết bàn. Phải chăng với con người đã chìm trong thế giới vật chất, với con người tần số dao động giáng xuống vùng nặng nề, thì Linh hồn hay Thượng đế có ích gì. Chỉ là thứ để con người níu bám, xin xỏ; xin được rồi, muốn xin nhiều hơn. Ngay cả khi tưởng là không xin nữa, thì lại đòi được thưởng; thưởng cho sự không xin xỏ của mình. Không tham vật chất nữa, người ta có muôn kiểu tham khác; tâm lý tham, tâm linh tham. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất, đất đai, nhà cửa,… nhưng người ta hướng tới danh tiếng và sự kính trọng. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất người ta hướng tới sự khác biệt, quyền năng, sự sùng bái… Người ta từ bỏ gia đình vợ con, người ta níu bám vào đạo tràng, vào tu viện, vào nhà thờ, vào giáo lý. Đủ mọi kiểu níu bám và xin xỏ. Gautama Buddha đã im lặng. Ngài im lặng, im lặng về Linh hồn, im lặng về Thượng đế. Ngài nói tất cả đều vô ngã, tất cả đều Tính không; anh cũng là không, tôi cũng là không, tất cả đều là không; cuộc đời này là khổ, luân hồi là các kiếp nhân gian; cần phải giải thoát để về Nirvana – Niết bàn.

Người Phương Đông hướng nội; Gautama Buddha muốn những con người này không thành kẻ ăn xin và nô lệ.

3. Có một vị Tiến sĩ vũ trụ học, tên là Hugh Ross, ông ấy đã dùng phương pháp Quy hoạch động - Dynamic programming một phương pháp trong Lý thuyết ngẫu nhiên – Probability theory, để tính toán cơ hội đã hình thành nên Trái đất.

Bài toán về sự hình thành của Trái đất, ông ấy đặt ra, khảo sát và đưa vào tất cả những yếu tố mà con người có thể hiểu biết, rằng nó sẽ tác động vào quá trình tạo dựng Trái đất. Ông ấy tìm ra 320 yếu tố. Nào là kích thước, vị trí, cấu trúc của các Giải Ngân hà; nào là kích thước, vị trí, cấu trúc của Hệ Mặt trời; nào là thời gian, chu kỳ của các quỹ đạo các hành tinh; nào là cấu tạo của Trái đất; nào là đặc điểm của Bầu Khí quyển,… Rất nhiều, hơn 320 yếu tố là 320 biến số của một hàm số mô tả cơ hội để tạo dựng nên Trái đất.

Ông ấy giải, chương trình MTDT giải, kết quả là… một cơ hội nhỏ hơn …1 phần của 10 luỹ thừa 282; nghĩa là một số nhỏ hơn 1 lớn hơn 0, mà số 1 sẽ đứng sau dấu phẩy thập phân và 283 con số 0.

Một xác suất vô cùng thấp, coi như không có. Coi như không thể có Trái đất nếu chỉ trông chờ vào ngẫu nhiên cùng sự tiến hoá. Trái đất, Hệ Mặt trời, Giải Ngân hà, Vũ trụ này… không thể ngẫu nhiên tiến hoá sau vụ nổ Big Bang. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô song mới tạo nên được Trái đất, sự chuyển động của nó và Sự sống Nhân sinh này.

Cũng vậy, thế giới vi mô, cấu trúc của tế bào. Một tế bào trong cơ thể người, nhỏ hơn 1 phần 3000 mm; 10.000 tế bào gom lại một đầu kim. Vậy mà mỗi tế bào chứa nhiều trạm phát điện; nhiều nhà máy chuyển hoá rất phức tạp; một kho dữ liệu (data bank) khổng lồ chứa được dung lượng của 900 bộ Tự điển Bách khoa (encyclopedia). Mỗi một tế bào đều chứa kho lưu trữ, hệ thống thần kinh, cảm giác, bộ tiêu hoá, bộ giải độc tố, hệ thống lọc chất thải, hệ thống tạo nhiệt, hệ thống chuyển hoá và sản sinh hoá chất, truyền tin, cơ quan tự vệ, cùng một hệ thống giao thông vô cùng phức tạp… Mỗi một tế bào chứa hơn 300 hoá chất, hơn 10,000 các Protein khác nhau; mỗi Protein có 20 loại acidamino… Mỗi một tế bào lại còn chứa những tế bào DNA trong đó. Mỗi một tế bào DNA lại là một kho chứa một triệu tỷ dữ kiện.

Trong thân thể con người có tới hơn 220 loại tế bào khác nhau; như tế bào da, máu, xương, tóc, gan, ruột… Cơ thể con người có tổng cộng là khoảng 100 ngàn tỷ (100 trillion) tế bào. Mỗi tế bào đều có nhiệm vụ và cấu trúc khác nhau để giúp cho cơ thể được sống. Mỗi tế bào là một đơn vị độc lập, có sự sống riêng. 100 ngàn tỷ tế bào này làm việc rất đồng nhịp dưới sự chỉ huy của não bộ. Chỉ cần nhiệt lượng trong cơ thể tăng hoặc giảm vài độ là toàn bộ hệ thống sẽ suy giảm, ngừng hoạt động, phân rã, con người sẽ chết. 100 ngàn tỷ tế bào này là một Nhà máy Điều Nhiệt khổng lồ. Tất cả các tế bào phải làm việc đồng bộ để duy trì nhiệt lượng đúng mức cho cơ thể. Một tế bào phải biết 999 ngàn tỷ tế bào kia.

Nếu thời của Darwin, có MTDT, và ông ấy biết được phương pháp Quy hoạch động, thì ông ấy sẽ không phát biểu nên Thuyết Tiến hoá. Ông ấy sẽ tính ra cơ hội để tạo dựng nên một sinh thể như con người hiện nay, cũng không khác là bao so với cơ hội tạo dựng nên Trái đất.

Trái đất, bầu trời, những vì sao và con người không thể có được bằng tiến hoá. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô song của Đấng Sáng tạo mới tạo dựng nên được một thực tại tuyệt vời này.

Đó là điều tôi tin cậy.

4. Nhưng thật không đơn giản, để phản bác những luận điểm rằng: không có Thượng đế. Osho nói không có Thượng đế. Nieztsche nói Thượng đế chết rồi. Đầu của hai con người này và đầu của nhiều người khác không phải bằng đá, không thể. Họ là những con người khác thường, kẻ nguy hiểm, kẻ siêu việt; họ rất thông minh; họ có những lý do riêng của họ.

Thực tại này bất toàn. Bất toàn không chỉ vì có những người tin có Thượng đế và có những người không tin có Thượng đế. Bất toàn không chỉ vậy, không chỉ vì tồn tại hai loại người. Mà bất toàn là ở bản chất của thực tại. Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, không nên giới hạn trong vật lý, không nên giới hạn trong toán học, không nên giới hạn trong triết học; nó thực sự mở rộng cho toàn thực tại này. Thực tại bất toàn; vì bất toàn mà làm cho một người này, đứng ở tầm nhìn này, thấy có Thượng đế; một người khác, đứng ở tầm nhìn khác, thấy không có Thượng đế. Con người sẽ mãi quanh quẩn với những tranh luận về có và không, về tồn tại và không tồn tại. Ngay cả khi, tâm thức của con người có thể nâng cao lên một tầm cao mới, một thực tại mới, nhưng nếu chưa đạt tới Vô ngã; thì con người vẫn là bất toàn; vẫn trong thực tại bất toàn; vậy thì sẽ có một Định lý Bất toàn mới, sẽ có một Kurt Gödel; vậy thì vẫn còn người tin có Thượng đế, vẫn còn người không tin có Thượng đế.

Thường đế là cái toàn hảo, không thể hiểu, không thể biết trong một thực tại bất toàn.

5. Gautama Buddha đã siêu việt kiến giải về Thượng đế, về Linh hồn. Bằng Phương pháp Biện chứng, với Bốn tầng phân biệt (catuskoti), Gautama Buddha đẩy cao xung đột có và không lên một tầng cao mới:

“Thượng đế có tồn tại; hay không tồn tại; hay vừa tồn tại, vừa không tồn tại; hay vừa không tồn tại, vừa không không tồn tại?”

Buddha không làm phức tạp hoá vấn đề, ngài đơn giản hoá vấn đề đi. Ngài giải quyết xung đột có và không, tồn tại và không tồn tại bằng cách đẩy cao nó lên một bình diện mới; đẩy nó sang một Hệ quy chiếu khác.

Như Lai, Thượng đế, Đấng Sáng tạo, Thực thể Tối thượng, Niết bàn, Đạo,… là Cái Tuyệt đối, cái toàn hảo, cái không thể bất toàn. Cái Tuyệt đối không thể là một thực thể đối lập với một thực thể khác trong thực tại bất toàn. Con người không thể hiểu và cũng không thể BIỂT được Cái Tuyệt đối. Cái mà con người tưởng là Cái Tuyệt đối qua tư duy, qua phân biệt không thể là Cái Tuyệt đối thực sự. Cái Tuyệt đối thực sự chỉ có thể BIẾT khi mọi tâm trí phân biệt đều được rũ bỏ; chỉ có thể kinh nghiệm được khi vượt ra ngoài thực tại bất toàn này.

Prajñā Pāramitā, là trí huệ qua bờ bên kia. Rũ bỏ tâm trí phân biệt, rũ bỏ qua mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy nghĩ, cảm xúc, thói quen, tri thức, luân lý, đạo đức, pháp luật, thể chế… mọi vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn, mọi lớp vỏ, mọi lớp chăn phủ… tất cả đều rũ bỏ vậy thì Cái Tuyệt đối, Thượng đế sẽ hiển lộ; khi đó là bờ bên kia, Pāramitā.

Cư sĩ Minh Đạt


Nguồn: tincaytinhyeu.wordpress.com

Phải chăng Vũ Trụ do “ngẫu nhiên” mà có?

Phải chăng Vũ Trụ do “ngẫu nhiên” mà có?

Theo thiển ý người viết, cần giải thích ý nghĩa của “ngẫu nhiên, thiên nhiên, tự nhiên, tạo hóa” trước khi mạo muội trả lời cho câu hỏi đã nêu ở tựa đề.

I- Ý nghĩa của chữ “ngẫu nhiên”

A- Từ “Việt-Nho”

“Ngẫu” () là “thình lình, tình cờ”, “nhiên” () là “như thế”. Chuyện “ngẫu nhiên” là việc “tình cờ xảy ra như vậy!”

B- Từ Anh, Pháp, Đức: par hasard; by chance; zufällig

1- Tiếng Anh: I met her by chance. (Tôi tình cờ gặp nàng.)

2- Tiếng Pháp: Si par hasard vous la voyez… (Nếu tình cờ anh gặp nàng…)

3- Tiếng Đức: Ich bin zufällig hier vorbeigekommen. (Tôi tình cờ đi qua đây.)

C- Nhận định về các câu ở phần B

Việc “gặp nàng” hay “đi qua nơi ấy” rõ ràng là KHÔNG DO chủ ý của tôi. Tuy nhiên, nếu bảo rằng hai “sự việc” ấy KHÔNG CÓ nguyên nhân thì tôi sai hoàn toàn bởi vì:

1- Nàng có LÝ DO nào đó mới đi qua nơi tôi cũng đi qua, chẳng hạn: do lầm đường, đang vui hay buồn quá đến nỗi nàng “quên” đường về.

2- Tôi cũng có LÝ DO là đến tiệm hớt tóc ở đường mà nàng “vô tình”, tức “không chủ ý” đi qua.

Cả hai, nàng và tôi, gặp nhau là DO tình cờ. Chữ TÌNH CỜ có nghĩa: không tính trước, không dè. Như vậy, xét cho cùng, ngoài hai LÝ DO đã nêu, TÌNH CỜ cũng là NGUYÊN NHÂN “đưa đẩy” nàng và tôi gặp nhau bởi vì:

a- Theo Luận Lý Học VỠ LÒNG, một trong bảy nguyên tắc căn bản của Lý Trí là: “Mọi sự đều có nguyên nhân.” đúng như câu nói của Gottfried Wilhelm Leibniz, nhà Toán Học, Triết Gia Đức: “KHÔNG có gì CHẲNG có gì mà KHÔNG có lý do.” (Rien n’a rien sans raison.)

b- Người Việt cũng viết, nói như người Anh, Pháp, Đức, chẳng hạn: “Tôi gặp nàng hoàn toàn DO tình cờ.” (I met her quite BY chance. Je l’ai vue complètement PAR hasard. Ganz DURCH Zufall habe ich sie gesehen.) Giới từ BY, PAR, DURCH đều có nghĩa: do, bởi, vì, qua.

3- Có thể thay “par hasard” bằng “par accident” và thay “by chance” bằng “by accident” vì “accident” do từ Latinh “accidens, accidentis” (participe présent) của động từ “accidere: xảy ra” có tiếp đầu ngữ “ac” (1) là do “ad” (có nghĩa: to, upon; à, sur) và ngữ căn “cidere” có nghĩa là “tomber, fall”: rơi. Người Đức cũng có chữ “Akzidenz” cùng nghĩa với Zufall mà “nguyên nghĩa: sens étymologique” là việc RƠI TRÚNG, RƠI XUỐNG…

Trong bài hát “Il était un petit navire”, có câu nói về số phận người sẽ bị ăn thịt: “Le sort tomba sur le plus jeune.” (Thủy thủ trẻ nhất BỊ trúng thăm.) Người Pháp cũng nói: “La pleine lune de ce mois tombe le samedi.” (Trăng tròn tháng này NHẰM ngày thứ bảy.) CHẲNG ai có thể bắt trăng phải tròn vào ngày mình muốn VÌ đó là “hiện tượng” theo QUY LUẬT DO ÔNG TRỜI LÀM NÊN, chứ KHÔNG DO tình cờ, chẳng hạn: hiện tượng mà chúng ta gọi là nhật thực, nguyệt thực.

4- CŨNG cho rằng “mọi sự đều có nguyên nhân” mà người Pháp định nghĩa chữ “ngẫu nhiên: hasard” như sau: “NGUYÊN NHÂN được gán cho các biến cố mà người ta xét là KHÔNG THỂ giải thích hợp lý BỞI VÌ các biến cố ấy chỉ tùy thuộc vào LUẬT xác suất.” (hasard: CAUSE attribuée aux événements considérés comme inexplicables logiquement et soumis seulement à LA LOI des probabilités.) Họ cũng viết: “Le hasard décidera.” (Sự ngẫu nhiên sẽ quyết định.) Người Đức viết “văn hoa” như người Pháp, Anh: “Der glückliche Zufall wollte es, dass… Le hasard voulut que… The chance wanted that…” Nếu dùng cách ấy cho trường hợp của chàng thủy thủ trẻ thì có thể dịch như sau: “SỐ LÀ anh ta bị trúng thăm.” (Le hasard voulut que le sort tombât sur lui.) Anh ta “không ngờ” mình gặp xui; cái xui ấy vẫn có NGUYÊN NHÂN: hết lương thực, thủy thủ đoàn sợ chết đói, ĐÀNH phải bốc thăm ĐỂ có thịt MÀ ăn. Anh ta BÈN lên boong tàu, quỳ gối, chắp tay cầu nguyện: “Ôi, lạy Thánh Nữ Đồng Trinh, ôi lạy Đấng Bảo Hộ con, xin Mẹ ngăn cản họ ăn thịt con.” (Ô Sainte Vierge, Ô ma Patronne, empêchez-les-les-les de me manger.) THẾ LÀ “vô số cá nhỏ nhảy vào tàu” là hiện tượng CÓ nguyên nhân, tức phép lạ QUA Trinh Nữ, NHỜ lời van xin CỦA anh ấy. NẾU cho rằng CHẲNG có phép lạ THÌ việc cá nhảy lên tàu cũng DO nguyên nhân nào đó.

II- Các chữ “nhiên, thiên nhiên, tự nhiên, tạo hóa”

A- “Nhiên”

Theo Cụ Đào Duy Anh, chữ “nhiên” () còn có nghĩa nầy: CỐ Ý CHO ĐƯỢC. Có người nghĩ rằng Vũ Trụ DO “tự nhiên” mà ra. Vậy, xin người ấy “nghe” cách giải thích sau đây:

B- Thiên nhiên (vẫn theo Cụ Đào Duy Anh): “Thiên nhiên” cũng là Tự nhiên. Tự nhiên tức Tạo hóa, là “sáng tạo và hóa sinh”, là “Trời: Créateur!”

C- Từ Điển của Cao Đài: “Thiên nhiên là Trời LÀM RA như thế.” (Chữ “Trời” được viết hoa.)

D- Từ Điển (Lê Khả Phiêu-Nguyễn Lân, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam): “Tạo hóa: Créateur.”

E- Từ Điển (Đào Đăng Vỹ): “Tạo hóa, ĐẤNG Tạo-hóa: Le Créateur.”

F- Tự Điển Việt-Anh (Đặng Chấn Liêu-Lê Khả Kế): “Tạo hóa: The Creator.”

G- Cuốn Vietnamesisch-Deutsch (Phan Trung Liên): “Tạo hóa: Weltschöpfer.”

III- Vũ Trụ không do ngẫu nhiên mà có

Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước) ghi lại Lời Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng dựng nên Vũ Trụ từ hư không. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng Vũ Trụ hiện hữu là do ngẫu nhiên! Vậy, tôi xin viết thêm:

A- Tôi chẳng phải là “sản phẩm phụ, tình cờ trong Vũ Trụ” (an accidental by-product of nature) bởi vì tôi khác với loài vật và sự vật: tôi biết lý do, ý nghĩa, mục đích của đời mình, linh hồn tôi bất tử…

B- Cho nên, tôi KHÔNG sống theo bản năng như súc vật, mà theo Thiên Ân là mang Hình Ảnh của Đấng dựng nên Vũ Trụ VÌ Vinh Quang của Ngài, CHO tôi và VÌ tôi.

C- Tôi KHÁC “con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn” VÌ tôi có lý trí, lương tri, KHÔNG “hót như chim”, MÀ “hát Thánh Ca” ĐỂ tôn vinh Thiên Chúa ĐÃ “sáng tác bao nhiêu là Kỳ Công” CHO nhân loại hưởng nhờ, ngắm nhìn, suy nghĩ VÀ nhận ra ĐẤNG TOÀN NĂNG!

D- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ”, tức KHÔNG CÓ Đấng Tạo Hóa thì nên XÓA ĐI trong Tự Điển Bách Khoa các chữ “Datum, date, data” (có nghĩa: “ngày, tháng, năm” do Đấng-phi-thời-gian-phi-không-gian làm ra) vốn có gốc Latinh DATUM (được CHO, ĐƯỢC TẶNG) và những lời dạy của Thánh Hiền Việt Nam, của Thầy-Cô, của Tổ Tiên, của Ông-Bà, Cha-Mẹ tôi đều CHỈ là vô nghĩa VÌ các Vị ấy đã trở thành “TRO BỤI” trong lòng đất! Cho nên tôi phải thờ lạy “Vũ Trụ tự hữu, VÔ TRI” bởi vì ĐÂU CÓ “Tòa Án Tối Cao” của Thượng Đế mà tôi tưởng tưởng ra. Mắc mớ gì mà tôi phải sống “Đạo làm người” vì chết là hết cơ mà!?

E- Nếu Vũ Trụ này là “vô nghĩa” thì các nhà bác học vô thần là những người KHÔNG TƯỞNG (2) vì, (bằng những lập luận không có sức thuyết phục tôi và TUYỆT đại đa số người khác), họ phải UỔNG công chứng minh “Đấng-Không-Có” khiến tôi tự nghĩ: “Họ cũng nên khẳng định rằng Cổ Thành Erbil ở Iraq là DO TÌNH CỜ MÀ CÓ cách đây chừng 10.000 năm, CHỨ CHẲNG CÓ AI dựng nên nó cả!”

F- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ” thì AI là “Đấng Toàn Tri, Toàn Năng, Trên Cả tuyệt đối, Đấng Vô Hạn” (L’Infini) chế ra cái Cổ Máy CỦA Trời (Thiên Cơ) và trật tự lạ lùng của NÓ? Đó là CHƯA nói đến “phép lạ” trong từng tế bào nơi thân xác tôi mà con người CHẲNG tạo ra được từ hư không!

G- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ” thì TẤT CẢ các THIÊN thể đã HÚC nhau và NỔ TUNG từ đời nào VÀ CHẲNG CÓ TÔI ngồi đây mà viết bài tôn vinh Chúa Cả Càn Khôn!

H- Máy Lotto “chọn” 6 con số trong 49 con. Máy ấy có tới 13.983.816 cách để cho chui ra 6 số mà thôi. Ai trúng thì là người may mắn KHÔNG do tình cờ VÌ máy đó là sản phẩn của những nhà Toán Học. Nhưng nhà Toán Học nào cũng THUA Đấng-Toán-Học-Toàn-Năng, chính là Thiên Chúa!!!

Đức Quốc, 23.7.2014
Đaminh Phan Văn Phước

Ghi chú
 (1)- Giới từ “ad” Latinh cũng biến thành “à” trong tiếng Pháp và thành “at” trong tiếng Anh.
 (2)- Cái “không tưởng” (utopie) do tiếp đầu ngữ Hylạp ο /u/ là “không”, và do ngữ căn τοπος /topos/ là “chỗ, nơi chốn”. Người-không-tưởng (utopiste) là thành phần đi theo chủ nghĩa “không tưởng”: doctrine utopiste, dạy những điều không tưởng!!!


 Nguồn: lamhong.org

Thiên Chúa và các khoa học gia

Thiên Chúa và các khoa học gia
Các khoa học gia có tin Thiên Chúa? Có 40% các khoa học gia tin Thiên Chúa, đa số là các khoa học gia trẻ tuổi. Chứng cớ về Thiên Chúa không dễ tìm thấy trong phòng thí nghiệm, nhưng tôn giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong giới khoa học.
Isaac Newton

Ông là một trong các khoa học gia nổi tiếng nhất. Ông là nhà vật lý và nhà toán học đã phát hiện định luật vạn vật hấp dẫn. Ông đưa ra chứng cớ về Thiên Chúa: “Thái dương hệ đẹp nhất, các hành tinh, và sao chổi, chỉ có thể xuất phát từ ý định và quyền lực về sinh vật thông minh và quyền hành”.

Albert Einstein

Ông là cha đẻ của thuyết tiến hóa. Khoa học gia nổi tiếng này tin vào quyền tối cao mà lại không nhận biết Thiên Chúa. Ông giải thích về quan điểm tâm linh: “Mọi người theo đuổi khoa học đều tin rằng thần linh biểu hiện trong quy luật của vũ trụ – một thần linh vượt trội con người, và trước thần linh này, chúng ta phải khiêm nhường. Theo cách này, sự theo đuổi khoa học dẫn tới cảm thức tôn giáo của một loại đặc biệt, điều này thực sự rất khác với tín ngưỡng của người ngây thơ”.

Stephen Hawkings

Khoa học gia nổi tiếng trong thời đại chúng ta là tiến sĩ Stephen Hawkings. Ông là chuyên gia về thuyết tương đối và cơ học lượng tử. TS Hawkings là người theo thuyết bất khả tri (agnostic), không phải là vô thần (atheist), nhưng ông có nói về Thiên Chúa: “Điều tôi đã làm là để chứng tỏ rằng có thể vũ trụ bắt đầu được xác định bằng quy luật của khoa học. Trong trường hợp này, không cần yêu cầu Thiên Chúa quyết định cách khởi đầu vũ trụ. Điều này không chứng tỏ là không có Thiên Chúa”. Điều “không chứng tỏ là không có Thiên Chúa” tức là “chứng tỏ có Thiên Chúa”.

Charles Darwin

Charles Darwin là nhà sinh học nổi tiếng với thuyết tiến hóa “nóng sốt” trong thời ông. Nhưng khi tuyên bố rằng con người tiến hóa từ cây cối và động vật như loài khỉ, Darwin đã đưa ra chứng cớ về Thiên Chúa: “Với nhận thức của chúng ta, không thể hiểu rằng vũ trụ to lớn và kỳ diệu này ngẫu nhiên mà có, đối với tôi có vẻ là sự tranh luận chính về sự hiện hữu của Thiên Chúa”.

Francis Collins

Dự án gen con người được hoàn tất năm 2003. Bản đồ gen kỳ diệu đó đã thay đổi các nghiên cứu của y học và sinh học. Lịch sử trước đó chưa bao giờ có nhận thức khoa học nào mở ra những cánh cửa tới việc cải thiện chất lượng của cuộc sống. TS Francis Collins là giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Hệ Gen Con người (National Human Genome Research Institute). Người ta hỏi:“Các khoa học gia có tin vào Thiên Chúa?”. Ông trả lời: “Khoa học không hiệu quả trong việc phê bình thế giới siêu nhiên. Đối với tôi, cả hai thế giới đều khá thực tế và khá quan trọng. Chúng nghiên cứu khác nhau. Chúng cùng hiện hữu. Chúng soi sáng lẫn nhau”.

Max Planck

Ông đoạt Giải Nobel về vật lý. Thuyết lượng tử của ông đã khiến nhân loại phải suy nghĩ lại một số niềm tin về triết học mà trước đây người ta ca tụng. Khoa học gia Kitô giáo này sống trong chế độ Đức quốc xã, ông thấy nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong giới khoa học bị hành hạ vì niềm tin tôn giáo. Đây là lời ông nói về khoa học và Kinh Thánh: “Cả tôn giáo và khoa học đều cần tin vào Thiên Chúa. Đối với những người tin, Thiên Chúa ở trong sự khởi đầu, còn đối với các nhà vật lý thì Thiên Chúa là cuối cùng của sự cân nhắc… Không phải ngẫu nhiên mà các nhà tư tưởng lớn của các thời đại đều tin có linh hồn”.

Erwin Rudolf Josef Alexander Schrödinger

Trước khi có máy vi tính, có một kiểu mẫu đối với nguyên tử và phân tử, điều này cho thế giới một điều gì đó gọi là “cơ chế sóng cuối cùng”. Một số người nói rằng việc áp dụng cơ chế lượng tử hiện đại là tiền bối đối với kỹ thuật như chúng ta biết ngày nay.

Erwin Schrödinger là nhà vật lý người Áo, sống có trách nhiệm. Ông nói về Thiên Chúa và khoa học: “Tôi rất ngạc nhiên thấy hình ảnh khoa học về thế giới thật ở xung quanh tôi là quá thiếu. Nó có nhiều thông tin thật, đặt kinh nghiệm của chúng ta vào một trật tự rất phù hợp, nhưng lại im lặng về mọi thứ, những thứ tạp nham lại ở gần tâm hồn chúng ta, thực sự là vấn đề đối với chúng ta. Nó không thể cho chúng ta biết về màu đỏ và màu xanh, vị đắng và vị ngọt, nỗi đau và niềm vui thể lý; nó chẳng biết gì về cái đẹp và cái xấu, điều thiện và điều ác, thần linh và vĩnh hằng”.

William H. Bragg

Ông là người Anh, là nhà vật lý, nhà hóa học, và nhà toán học. Ông là người tinh luyện quá trình sử dụng tia X để làm vỡ các tinh thể. Đó là khám phá lớn khiến ông đoạt Giải Nobel.

Ông giải thích về tôn giáo và khoa học: “Nhờ tôn giáo mà có mục đích của con người, nhờ khoa học mà đạt được mục đích. Đôi khi người ta tự hỏi không biết tôn giáo và khoa học có đối lập với nhau hay không. Thế này: theo nghĩa ngón tay cái và các ngón tay trong bàn tay đối lập với nhau. Đó là sự đối lập mà mọi thứ đều nắm bắt được”.

Wernher Von Braun

Bạn có thông minh hơn khoa học gia về rocket?  Kỹ sư không gian Wernher Von Braun là người Mỹ gốc Đức, ông không chỉ là cha đẻ của khoa học về rocket, ông còn là khoa học gia có niềm tin vào Thiên Chúa. Ông nói: “Tôi thấy khó hiểu về một khoa học gia mà lại không nhận biết sự hiện hữu của Đấng Tối Cao ẩn sau sự hiện hữu của vũ trụ, như vậy thì cũng giống như một thần học gia mà lại từ chối sự tiến bộ của khoa học”.

Rõ ràng khi bạn hỏi: “Các khoa học gia có tin vào Thiên Chúa?”. Trả lời: “Có!”. Đó là sự thật, dù không phải là khoa học gia nào cũng tin như vậy. Nhưng người ta có thể thấy rằng chứng cớ về Thiên Chúa có thật trong thế giới khoa học.

Kha Đông Anh chuyển ngữ từ beliefnet.com

 Nguồn: lamhong.org

Thế nào là lỗi đức bác ái Kitô giáo?

Thế nào là lỗi đức bác ái Kitô giáo?

Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, viết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”( 1Cr 13:13).
 
 Sở dĩ ngài nhấn mạnh về Đức ái như vậy,  vì căn cứ vào lời  Giêsu đã truyền cho các môn đệ và mọi người chúng ta phải  tuân giữ và thực hành hai giới răn quan trong nhất là mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” và “yêu người thân cận như chính mình”(Mc 12:30-31).
 
 Thật vậy, yêu người khác như yêu chính mình, đó là đức ái Công giáo. Đó là đức mến mà Thánh Phaolô đề cao hơn cả đức tin và đức cậy. Điều này thật chí lý vì nếu chúng ta tin có Chúa, yêu mến Chúa và hy vọng có ngày được gặp Chúa nhãn tiền thì chúng ta phải thể hiện niềm tin và cậy trông đó bằng đức ái nồng nàn. Nói khác đi, đức ái là thước đo đức tin và đức cậy. Nhưng làm thế nào để chứng tỏ chúng ta thực sự tin và yêu mến Chúa?
 
 Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Jn 14:21).
 
 "Có và giữ" nghĩa là biết những giới răn của Chúa và thực hành những giới luật đó để minh chứng niềm tin và lòng mến Chúa thực sự.
 
 Như vậy, thực hành tốt hai điều răn quan trọng nhất của Chúa về yêu mến Người và yêu tha nhân  là  cách biểu lộ hùng hồn nhất về niềm tin và yêu mến Chúa thực sự.
 
 Trong giới hạn bài  này, tôi xin được trình bày đại cương về giới luật yêu mến tha nhân như yêu chính mình và những lỗi phạm đến điều răn quan trọng này.
 
 Yêu mến người khác như yêu chính mình trước hết có nghĩa là mình ước muốn những gì tốt đẹp, hữu ích cho mình thì mình cũng phải mong muốn và làm những việc ấy cho người khác. Mình muốn được cơm no áo ấm, có những  phương tiện vất chất tối thiểu cần thiết để sống xứng đáng cương vị làm người thì cũng phải mong muốn và giúp người khác có được những nhu cầu cần thiết đó. Mình muốn danh dự, tiếng tốt cho mình thì cũng có bổn phận phải tôn trong danh dự và tiếng tốt của người khác như vậy. Nói khác đi, nếu mình không muốn bị hiểu lầm bị vu cáo những điều xấu thì cũng không bao giờ được phép gây ngộ nhận cho ai hoặc vô tình hay cố y bêu xấu ai vì bất cứ lý do gì. Sau hết, mình muốn được thăng tiến về mặt trí thức và siêu nhiên, thì cũng phải quan tâm đúng mức đến lợi ích tinh thần và thiêng liêng của người khác. Có như vậy mới thực sự là yêu người như Chúa dạy.
 
 Nói tóm lại, dùng thước bác ái để đo mình thế nào thì cũng phải dùng chính thước đó mà áp dụng cho người khác như vậy. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người đã không sống bác ái hoặc tệ hơn nữa là đã lỗi phạm nhân đức này cách nặng nề.
 
 Cái tội lớn nhất của con người ngày nay ở khắp mọi nơi trên thế giới là tội dửng dưng (indifference) trước sự đau khổ của người khác. Đau khổ về thể lý như đói nghèo, tù đày, bị đánh đập, hành hạ thân xác… Đau khổ về tinh thần như bị khinh chê, kỳ thị, lăng mạ, sỉ nhục, bị bêu xấu trong công luận. Gây cho người khác những đau khổ này hoặc dửng dưng khi thấy người khác phải chịu những đau khổ đó đều lỗi phạm đức ái mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tuân giữ để được vào Nước Trời, là Vương Quốc của công bình, thánh thiện, và yêu thương. Có người đã nại lý do muốn sửa lỗi của anh chị em để giúp họ cải tiến. Thiện chí này rất tốt và phù hợp với Phúc Âm nhưng phải thi hành đúng với tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm Thánh Matthêu như sau:
 
 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.
 
Nếu nó chịu nghe anh,thì anh đã được món lợi là người anh em mình.Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai hoặc ba chứng nhân.Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”(Mt 18:15-   ).
 
 Như vậy, chỉ vì động cơ  bác ái thúc đầy mà ta muốn sửa lỗi người khác để giúp họ trở nên tốt hơn, chứ không vì một lý do nào khác.
 
 Nghĩa là, phải đoan chắc rằng vì bác ái của Phúc Âm, vì thiện chí muốn giúp cho anh chị em mình nên hoàn thiện mà phải khôn ngoan sửa lỗi cho người khác để họ biết sống đẹp lòng Chúa .
 
 Việc này hoàn toàn khác với mọi ý đồ muốn bêu xấu ai  vì lầm lỗi nào đó. Người ViệtNam hay mắc một tội thông thường là tội “nói hành nói tỏi người khác”. Chuyện gì không hay không tốt về người khác thường được loan truyền mau lẹ trong cộng đồng, giữa những người quen biết nhau. Chi tiết của câu chuyện được rỉ tai cứ gia tăng thêm từ người này sang người khác. Cuối cùng chỉ có nạn nhận chịu mọi thiệt thòi, tai tiếng bất công. Như thế, loan truyền tin cho  người khác biết chuyện  không tốt của ai  mà hậu quả làm mất danh dự, tiếng tốt của người ấy là chắc chắn lỗi đức bác ái Công giáo.
 
 Lại nữa, công khai bêu xấu ai, hoặc lợi dụng truyền thông, báo chí để cố ý diễn dịch sai ý kiến của người khác hầu dành thắng lợi cho phe nhóm của mình cũng là  lỗi đức ái Kitô Giáo. Nghĩa là, không phải trách nhiệm của mình, nhưng chỉ vì muốn bêu xấu ai đó để thủ lợi cho phe nhóm mình  nên đã tìm mọi cách để loan tin cho người khác biết chuyện kín hay xuyên tạc lời nói hoặc tư tưởng của người thứ ba là phạm tội cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức Kitô Giáo. Tuyệt đối không có cơ sở luân lý, Kinh Thánh hay tín lý nào cho hành vi bêu xấu làm nhục người khác ở trong và ngoài Giáo Hội. Không ai có quyền tự dành  cho mình trách  nhiệm tố cáo để bôi nhọ người khác trước công luận xã hội dù núp dưới với bất cứ danh nghĩa nào. Phải tôn trọng danh dự, đời tư,  tính mạng và  tài sản của người khác như chính của mình. Đây là giới luật bác ái và công lý đòi buộc mọi công dân và giáo dân phải tuân giữ khi sống trong xã hội và Giáo Hội.
 
 Tóm lại, bác ái không chỉ giới hạn trong việc cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, kẻ rách rưới áo quần. Hơn thế nữa, Bác ái đòi hỏi phải yêu mến và tôn trọng người khác như chính mình, vì mọi người đều là hình ảnh của Chúa và là anh chị em với nhau.
 
 Vậy nếu không yêu thương, tôn trọng được người anh em mà chúng ta trông thấy, gặp gỡ thường ngày trong cuộc sống thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng chúng ta không nhìn thấy được trong cuộc sống ở đời này?
 
LM. Px. Ngô Tôn Huấn

 Nguồn: conggiao.info

Trách nhiệm của cha mẹ khi cưới vợ khác cho con

Trách nhiệm của cha mẹ khi cưới vợ khác cho con
 
Có một đôi vợ chồng kia, có làm phép Hôn phối, sau khi ăn ở với nhau được một người con thì người vợ bỏ đi vì làm đổ nợ. Người chồng sau một thời gian lại cưới một cô vợ khác và chỉ làm phép đời mà thôi, vì hôn phối trước theo phép đạo vẫn còn. Như vậy nếu cha mẹ của anh này chấp thuận cho anh ta cưới vợ khác, vì người vợ trước đã ra tòa ly hôn, thì cha mẹ của anh này có mắc lỗi không và có được rước lễ không ? (T.T.H.H., Giáo xứ Tân Bình).

Trả lời

 Mặc dù người chồng đã ra tòa án dân sự ly hôn với người vợ trước, nhưng anh vẫn còn đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân theo phép đạo với người vợ trước, cho nên mắc ngăn trở và không thể kết hôn theo luật Giáo Hội với người vợ sau được (x. GL. điều 1085 §1). Dù người chồng có giấy đăng ký kết hôn theo luật đời với người vợ sau, nhưng cả hai người không phải vợ chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội. Người chồng ly dị và tái hôn thì rõ ràng là vi phạm Điều răn của Chúa, sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên (x. GLHTCG số 2384).

1. Trách nhiệm của cha mẹ: Có mắc lỗi không?

 Trong trường hợp cha mẹ của anh chấp thuận cho anh cưới vợ khác thì không thể không mắc lỗi đồng phạm, nhưng mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thái độ chấp thuận tích cực hay tiêu cực. Theo “Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo”, số 1868, tội là một hành vi cá vị, nhưng chúng ta có trách nhiệm trong các tội người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào các tội đó, bằng cách:

 “- tham gia một cách trực tiếp và tự nguyện vào các tội đó;
 - ra lệnh, xúi giục, khen ngợi hoặc tán thành những tội đó;
 - không tố cáo hoặc không ngăn cản các tội đó, khi có bổn phận phải can ngăn;
 - che chở những người làm điều xấu”.

 Nếu cha mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai, thì chắc chắn sẽ mắc lỗi nặng hơn với việc chỉ chấp thuận cho con muốn làm gì thì làm. Dù sao đi nữa, Giáo Hội cũng lưu ý chúng ta rằng: “Mặc dầu chúng ta có thể phán đoán một hành vi nào đó tự nó là một lỗi phạm nặng, chúng ta vẫn phải phó thác việc phán xét các nhân vị cho sự công bằng và lòng thương xót của Thiên Chúa” (GLHTCG số 1861).

2. Và có được rước lễ không?

 Người ta thường hiểu việc có được rước lễ hay không ở đây là có bị vạ tuyệt thông (bị dứt phép thông công) hay không. Trong Bộ Giáo Luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định phạt vạ tuyệt thông ngay tức khắc (nghĩa là cấm xưng tội rước lễ do chính sự kiện phạm tội) cho cha mẹ chấp thuận cho con cái ly dị và tái hôn. Tuy nhiên, Đức Giám mục giáo phận có quyền ra hình phạt vạ tuyệt thông đối với giáo dân trong giáo phận của mình (x. Điều 1315). Nếu Giáo phận nào có thiết lập hình phạt vạ tuyệt thông đối với loại tội phạm này thì lúc đó hình phạt mới được áp dụng. Thông thường, tùy theo mức độ tội nặng hay nhẹ trong việc cộng tác vào việc phạm tội của người con, mà cha mẹ có được rước lễ hay không. Nếu cha mẹ có tội nặng thì chắc chắn không được đi rước lễ. “Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ” (GLHTCG số 1385). Tuy nhiên cha mẹ đương sự cũng nên suy nghĩ điều này: không phải cứ cố tình vi phạm lề luật Chúa, gây ra gương mù gương xấu trong giáo xứ rồi đi xưng tội là xong. Hối nhân còn phải làm hết sức có thể để sửa sai (x. GLHTCG số 1459). Làm thế nào để sửa sai này đây?
 

Tác giả bài viết: Lm. LG Huỳnh Phước Lâm

Nguồn tin: gplongxuyen.org

Đạo Thiên Chúa hay Đạo Công Giáo?

Đạo Thiên Chúa hay Đạo Công Giáo?

LTS. Xin lưu ý: Tại VN, Ngừời dân không đựoc phép ghi lý lịch với tôn giáo "Công Giáo" mà buộc phải ghi "Thiên Chúa Giáo" hoặc chỉ đựoc phép ghi hai chữ Thiên Chúa.
 
Hỏi: Xin Cha giải thích: Đạo Thiên Chúa là gì, và khác Đạo Công Giáo như thế nào?
 
Trả lời:
 
 Trong thực tế, nhiều người đã lầm lẫn khi dùng cụm từ “Đạo Thiên Chúa” hay "Thiên Chúa Giáo" để chỉ Đạo Công Giáo (Catholicism), tức là Đạo thánh mà chính Chúa Kitô đã rao giảng và thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Tông Đồ như phương tiện để loan truyền và mang ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân mọi nước cho đến ngày mãn thời gian.
 
 Đó là Đạo cứu rỗi mời gọi mọi người đón nhận để được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Vương Quốc tình yêu của Ngài.
 
 Xét về từ ngữ (terminology) thì danh xưng Đạo Thiên Chúa nghe có vẻ hợp lý vì mục đích tôn thờ Thiên Chúa là Chủ tể vạn vật và vũ trụ. Nhưng nếu đi sâu vào nôi dung thần học, thì danh xưng này không phân biệt rõ đối tượng và mục đích tôn thờ của các tín hữu có cùng niềm tin vào Thiên Chúa (God) nói chung và Chúa Cứu Thế Giêsu nói riêng. Các tín hữu này hiện đang phân tán trong các Giáo Hội, hay Đạo, có danh xưng khác nhau như sau:
 
1. Do Thái Giáo (Judaism)
 
 Do Thái Giáo, hay còn gọi là Đạo Maisen (Mosaic Religion), là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Maisen, đã giải phóng cho dân Do Thái thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Maisen, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương.
 
 Tín hữu Do Thái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yaweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ cũng không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai (x. Stk 18:1-15).
 
 Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người, nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.
 
2. Công Giáo La Mã (Roman Catholicism)
 
 Công Giáo La Mã, chính là Kitô Giáo, tức là Đạo Cứu Rỗi do Chúa Kitô khai sinh với việc Người xuống trần gian làm Con Người, đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành và cuối cùng, chết trên thập giá để hoàn tất công cuộc cứu chuộc cho loài người khỏi chết vì tội.
 
 Đạo Công Giáo tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản thể (substance) và uy quyền như nhau. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo là Thiên Chúa của Chúa Kitô (Christian God) và cũng là Thiên Chúa của các Tổ Phụ Do Thái. Do đó, Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo gồm cả hai phần Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), với tổng cộng 72 Sách Thánh mà Giáo Hội Công Giáo dạy tín hữu phải đọc để nuôi dưỡng đời sống đức tin nhờ nghe Lời Chúa để biết sống theo đường lối của Người.
 
3. Chính Thống Giáo
 
 Chính Thống Giáo là Nhánh Kitô Gíáo Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã từ năm 1054 vì một số bất đồng về tín lý, phụng vụ và quyền bính. Cho đến nay, nhánh này vẫn chưa hiệp nhất trọn vẹn được với Giáo Hội Công Giáo La Mã dù cả hai bên đã có nhiều thiện chí và cố gắng để xích lại gần nhau. Công Giáo và Chính Thống đều có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession) nên có chung các bí tích hữu hiệu như nhau, mặc dù vẫn chưa thể hiệp nhất được vì một trở ngại duy nhất là vấn đề quyền bình của Đấng thay mặt Chúa Kitô để cai trị Giáo Hội. Đó là quyền bính của Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma, mà anh em Chính Thống chưa công nhận.
 
4. Tin Lành (Protestantism)
 
 Tin Lành là Nhánh Kitô Giáo đã ly khai khỏi Công Giáo và Chính Thống Giáo sau những cuộc cải cách (reformations) do Martin Luther chủ xướng tại Đức năm 1517, lan qua Pháp với John Calvin, Thụy Sĩ với Ulrich Zwingli.
 
 Nhưng chính nội bộ nhánh này sau đó cũng đã phân chia thành hàng ngàn các nhánh nhỏ khác nhau như Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Episcopalians, Pentecostals, Quakers, Church of Christ .v.v Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa và tin Chúa Kitô là Cứu Chúa (Savior), cũng như lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ giảng dạy (Preaching ministry), nhưng khác biệt với Công Giáo và Chính Thống Giáo về nhiều điểm căn bản liên quan đến thần học, bí tích, phụng vụ, quyền bính và Kinh Thánh (Họ giải thích Kinh Thánh theo cách hiểu riêng của họ). Thêm vào đó, cũng như Chính Thống Giáo, các nhánh Tin lành đều không công nhận vai trò và quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng La Mã. Một điểm quan trọng nữa cần nói thêm là các nhánh Tin lành này đều không có nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession), nên họ không có các bí tích hiệu như Công Giáo và Chính Thống, trừ phép Rửa mà đa số họ có.
 
5. Anh Giáo (Anglicanism)
 
 Anh Giáo, tức nhóm Kitô Giáo đã tách khỏi Công Giáo La Mã vì sự bất mãn liên quan đến vấn đề hôn nhân của Vua Henry VIII trong thế kỷ XVI. Vua Henry này đã tuyên bố ly khai khỏi Công Giáo La Mã và tự phong làm thủ lãnh nhánh ly khai này. Nhóm này có tên chung là Anglican Communion, tức là Anh Giáo, hoàn toàn khác với Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England) là Giáo Hội Công Giáo của nước Anh hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã (Rome).
 
 Nhưng cách nay gần hai năm, một biến chuyển mới trong liên hệ giữa Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo, là có một nhóm khá đông các tín hữu Anh giáo cũng với giáo sĩ của họ, đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Để đón mừng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cựu Anh Giáo này, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, ngày 09-11-2009, đã cho công bố Tông Thư "Anglicanorum coetibus" (Các tín hữu Anh Giáo) theo đó, Tòa Thánh cho phép thiết lập các Giáo Hạt tòng nhân trong ranh giới của một số Giáo Phận Công Giáo ở Anh Quốc và xứ Wales để cho các cựu tín hữu Anh giáo được cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích theo nghi thức của truyền thống Anh Giáo đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

 Mới nhất, ngày 15-1-2011 vừa qua, ba cựu giám mục Anh giáo đã được tấn phong linh mục Công Giáo tại Thánh Đường Westminster, Luân Đôn. Và một trong ba tân linh mục này, cha Keith Newton, đã được cử làm Quản hạt tòng nhân Đức Mẹ Walsingham, một Quản hạt tòng nhân đầu tiên mới được thành lập ngày 15-1 vừa qua để đón nhận các cựu tín hữu Anh Giáo gia nhập Giáo Hội Công Giáo.



 Sở dĩ có việc truyền chức cho các cựu giám mục Anh Giáo là vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận Anh Giáo có bí tích Truyền Chức hữu hiệu, nên các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo, nếu muốn, đều phải xin thụ phong linh mục Công Giáo trước và sau này, có thể có linh mục được chọn làm giám mục Công Giáo.
 
 Lại nữa, vì Anh Giáo cho các linh mục và giám mục của họ kết hôn, nên sau khi được thụ phong linh mục Công giáo, họ vẫn được phép tiếp tục sống với vợ con.
 
6. Đạo Hồi (Islam)
 
 Ngoài ra, còn phải kể thêm một tôn giáo lớn nữa, cũng tôn thờ Thiên Chúa mà họ gọi là Đấng Allah. Đó là Đạo Hồi, do Muhammad sáng lập vào năm A.D 622.
 
 Từ ngữ Islam trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “Tuân phục ý muốn của Thiên Chúa = (Submission to the will of God)” nhưng Đạo này khác xa Đạo Do Thái, Công Giáo và các Nhánh Kitô Gíáo nói trên về nhiều mặt. Thí dụ họ chỉ coi Chúa Giêsu là một người thường, một tiên tri như Abraham, Moses, Noah v.v và kinh thánh của họ là kinh Koran.

 +++


 Như vậy, không có đạọ nào gọi là Đạo Thiên Chúa (Deism) đúng nghĩa với danh xưng này cả vì trong thực tế, tất cả các Nhánh hay Đạo mang các danh xưng riêng biệt trên đây đều tôn thờ Thiên Chúa (God). nhưng với nội dung thần học khác nhau, kể cả khác biệt về phương thế thể hiện sự tôn thờ đó (Liturgy).
 
 Nói khác đi, các Nhánh Kitô giáo và Do Thái giáo nói trên, tuy cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng rất khác nhau về quan điểm thần học, bí tích, phụng vụ, mục vụ và quyền bình. Do đó, không thể gọi Đạo Công Giáo là Đạo Thiên Chúa cách chung được vì như vậy, sẽ lẫn lộn với các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều điểm như đã nói trên đây.
 
 +++


TẠI SAO PHẢI GỌI KITÔ GIÁO LA MÃ LÀ ĐẠO CÔNG GIÁO?
 
 Để trả lới câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại từ đầu Thiên Chúa (God) chỉ tỏ mình ra cho dân Do Thái và chọn dân này làm dân riêng mà thôi: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh 19:5).


 Như thế, trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm Con Người, chỉ có dân Do Thái được biết Thiên Chúa Yahweh là Cha các Tổ Phụ của họ, là Đấng đã giải phóng họ và ban cho họ Mười Điều Răn làm Giao ước (Covenant) mà thôi. Ngoài Dân Do Thái ra, các dân khác đều là dân ngoại (gentiles) vì không biết Thiên Chúa Yahweh của dân Do Thái.
 
 Nhưng sau khi Chúa Giêsu giáng sinh ở Bethlehem, Chúa đã tỏ mình ra cho các dân ngoại qua ánh sao lạ ở Phương Đông, mời gọi ba đạo sĩ dân ngoại đầu tiên đến thờ lạy Chúa (x. Mt 2:1-12). Sự kiện này đã nói lên nét phổ quát (universality) của ơn cứu độ. Nghĩa là ơn này được dành cho hết mọi dân tộc, không chỉ riêng cho dân Do Thái. Vì thế, trước ngày về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).
 
 Đây là lý do vì sao Đạo của Chúa Kitô (Christianity) được gọi là Đạo Công Giáo vì mục đích phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa đã mang đến cho nhân loại qua Hy Tế thập giá của Người. Vì thế từ ngữ “Công giáo” ở đây có nghĩa là chung, là phổ quát (universal), dành cho hết moi người không phân biệt màu da, tiếng nói và văn hóa.
 
 Như vậy từ ngữ “công giáo” (catholicam = catholique = catholic…..) không hề có nghĩa là công cộng (public) như có người không hiểu biết gì, nhưng đã có ác ý dịch ẩu Đạo Công Giáo sang tiếng Anh là Public Religion. Dịch như vậy cũng tương tự như người mới học tiếng Anh đã tự ý dịch nước đá (ice) là “water stone”!
 
 Cũng vậy, nếu biết tiếng Anh đủ và có đọc sách vở viết bằng Anh ngữ về các thuật ngữ (terms) của Kitô Giáo, thì tội tổ tông, người Anh Mỹ gọi là Original sin, người Pháp gọi là Péché originel, người Tây Ban Nha gọi là Pecado original, chứ không ở đâu có từ ngữ “father’s sin” để chỉ tội tổ tông cả. Dịch kiểu này thì người Anh Mỹ không thể nào hiểu đúng ý của người dịch được.
 
 Tóm lại, danh xưng phải chính xác về các vần đề tôn giáo để tránh hiểu lầm hay xuyên tạc mục đích. Cụ thể, Đạo Công Gíao (Catholicism) là Đạo mà chính Chúa Giêsu đã khai sinh và giảng dạy để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người thành tâm thiện chí muốn đón nhận để được cứu rỗi và sống đời đời. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất do Chúa Kitô đã thiết lập để tiếp tục rao giảng và chuyển chở ơn cứu độ đó đến cho những ai muốn tiếp nhận. Giáo Hội này được đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng là Người duy nhất nối tiếp Sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, với sự hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của các Giám mục trong toàn Giáo Hội.
 
 Đó là những nét đại cương để phân biệt Đạo và Giáo Hội Công Giáo với các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội Công Giáo.
 
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

  Nguồn: conggiao.info