THƯỢNG ĐẾ CÓ HAY KHÔNG?
Câu trả lời của
Gautama Buddha.
Sài gòn ngày Chúa Nhật 25/5/2014.
Quý mến tặng Anh Phạm
Việt Hưng và Anh Bùi Hoằng Vị.
1. Có vài điều, khi còn tại thế, Gautama Buddha đã không trả
lời. Ngài không nói nó đúng, ngài không nói nó sai. Ngài không nói nó bé, ngài
không nói nó lớn. Ngài không nói nó xấu, ngài không nói nó đẹp. Ngài không nói
nó tồn tại, ngài không nói nó không tồn tại. Không trả lời, ngài im lặng.
Có mười bốn câu hỏi như vậy, ngài không trả lời. Mười bốn
câu hỏi, thuộc bốn chủ đề. Ngài không trả lời về sự vô cùng của Không gian.
Ngài không trả lời về các thuộc tính của Thời gian, những khái niệm về trước
của quá khứ, những khái niệm về sau của tương lai. Ngài không trả lời về Linh
hồn, cái nối tiếp giữa các kiếp đời. Ngài không trả lời về Thượng đế, Đấng sáng
tạo đã tạo ra mọi thứ.
Đó là bốn chủ đề, ngài không trả lời; ngài im lặng.
Có phải chăng, trong thế giới này, với bốn chủ đề này, câu
trả lời, dường như là không có. Từ khi
Gautama Buddha im lặng, bốn chủ đề này, ngàn năm nay luôn là nỗi trăn trở của
người tìm kiếm, của các học giả, của các triết gia, của các nhà khoa học… Có phải
chăng, khi đã có câu trả lời, thì người tìm kiếm không còn cần đến nó nữa?
Người tìm kiếm đã BIẾT, khi đã thấy cái họ cần biết, thì mọi câu trả lời là vô
nghĩa? Câu trả lời được kinh nghiệm trong im lặng; ngôn từ không thể diễn đạt,
có phải chăng là vậy?
Hay là còn, còn một lý do nào khác nữa, mà Gatama Buddha đã
im lặng?
2. Gatama Buddha xuất hiện cách đây 2.500 năm. Thời điểm
ngài xuất hiện đó là thời điểm đặc biệt. Thời điểm đó, trên thế giới, cũng có
rất nhiều các bậc thầy trí huệ khác, xuất hiện. Dường như không phải ngẫu
nhiên, các bậc thầy rủ nhau cùng xuất hiện. Vào thời đó, ở India có Gautama
Buddha, có Mahavira; sau Gautama là Buddhism với tín đồ lên tới hàng trăm
triệu, hàng tỷ người; sau Mahavira là Jainism đã từng là một tôn giáo lớn ở India
với giáo lý khổ hạnh và tư tưởng bất hại. China có Lao Tzu; sau Lao Tzu là
Taoism, ngày nay có mặt tại China, Korea, Japan, Vietnam, Singapore,… Nhiều nơi
khác nữa, rất nhiều các bậc trí huệ xuất hiện. Ở Iran
có Zarathustra; ở Anatolia có Heracleitos; ở Egypt
có Toth; ở Greece
có Thales, có Pythagoras, có Socrates,… Thales, Pythagoras, Socrates những con
người này, họ không chỉ là triết gia, nhà toán học, nhà thơ,… hơn hết họ là
những nhà huyền học. Họ dạy cả công truyền và họ dạy cả mật truyền. Họ dạy về
những con số, những đường thẳng song song, về tam giác… Và họ cũng dạy cả về
những lời khải huyền, các tầng giáo lý
thâm sâu. Rất nhiều bậc trí huệ, xuất hiện vào thời điểm đó. Sau đó muộn mằn
hơn, bốn năm trăm năm sau, là sự xuất hiện của Jesus Christ.
Dù là tình yêu, từ bi hay là trách nhiệm, các bậc thầy trí
tuệ đã đồng loạt xuất hiện. Họ đã xuất hiện, xuất hiện theo kiến thức của
Zodiac, Cung Hoàng đạo. Họ đã xuất hiện tại thời điểm chuyển thời của Trái đất,
thời điểm chuyển thời của Hệ Mặt trời. Sự xuất hiện của họ dường như để chuẩn
bị cho con người đón thời Pisces – Song ngư; thời mà con người phải nhọc nhằn
hơn, nếu muốn đi về phía Ánh sáng. Sự xuất hiện đồng loạt của các Đạo sư, dường
như để báo hiệu rằng, những giáo lý nguyên thuỷ, thuần khiết và trinh nguyên
không còn hợp với con người lịch sử. Con người mà tần số dao động giáng xuống.
Con người mà các luân xa đã bị đóng lại, đang khoác lên mình những tấm vỏ bọc
giả tạo. Con người đã chìm đắm trong vật chất. Những con người đó cần thiết
phải có những con đường thích hợp. Các bậc thầy trí huệ đã xuất hiện; lập ra
các con đường cho các quốc gia, cho các dân tộc; phù hợp với địa lý, phù hợp
vơi lịch sử, phù hợp với văn hoá của họ; hơn cả là phù hợp với con người trong
một Thời mới.
Gautama Buddha đã im lặng trước câu hỏi Thượng đế, Linh hồn.
Ngài không nói có, ngài không nói không, ngài đã im lặng. Ngài nói về: Vô ngã,
Tính không, Luân hồi và Niết bàn. Phải chăng với con người đã chìm trong thế
giới vật chất, với con người tần số dao động giáng xuống vùng nặng nề, thì Linh
hồn hay Thượng đế có ích gì. Chỉ là thứ để con người níu bám, xin xỏ; xin được
rồi, muốn xin nhiều hơn. Ngay cả khi tưởng là không xin nữa, thì lại đòi được
thưởng; thưởng cho sự không xin xỏ của mình. Không tham vật chất nữa, người ta
có muôn kiểu tham khác; tâm lý tham, tâm linh tham. Người ta từ bỏ tiền của,
vật chất, đất đai, nhà cửa,… nhưng người ta hướng tới danh tiếng và sự kính
trọng. Người ta từ bỏ tiền của, vật chất người ta hướng tới sự khác biệt, quyền
năng, sự sùng bái… Người ta từ bỏ gia đình vợ con, người ta níu bám vào đạo
tràng, vào tu viện, vào nhà thờ, vào giáo lý. Đủ mọi kiểu níu bám và xin xỏ.
Gautama Buddha đã im lặng. Ngài im lặng, im lặng về Linh hồn, im lặng về Thượng
đế. Ngài nói tất cả đều vô ngã, tất cả đều Tính không; anh cũng là không, tôi
cũng là không, tất cả đều là không; cuộc đời này là khổ, luân hồi là các kiếp
nhân gian; cần phải giải thoát để về Nirvana – Niết bàn.
Người Phương Đông hướng nội; Gautama Buddha muốn những con
người này không thành kẻ ăn xin và nô lệ.
3. Có một vị Tiến sĩ vũ trụ học, tên là Hugh Ross, ông ấy đã
dùng phương pháp Quy hoạch động - Dynamic programming một phương pháp trong Lý
thuyết ngẫu nhiên – Probability theory, để tính toán cơ hội đã hình thành nên
Trái đất.
Bài toán về sự hình thành của Trái đất, ông ấy đặt ra, khảo
sát và đưa vào tất cả những yếu tố mà con người có thể hiểu biết, rằng nó sẽ
tác động vào quá trình tạo dựng Trái đất. Ông ấy tìm ra 320 yếu tố. Nào là kích
thước, vị trí, cấu trúc của các Giải Ngân hà; nào là kích thước, vị trí, cấu
trúc của Hệ Mặt trời; nào là thời gian, chu kỳ của các quỹ đạo các hành tinh;
nào là cấu tạo của Trái đất; nào là đặc điểm của Bầu Khí quyển,… Rất nhiều, hơn
320 yếu tố là 320 biến số của một hàm số mô tả cơ hội để tạo dựng nên Trái đất.
Ông ấy giải, chương trình MTDT giải, kết quả là… một cơ hội
nhỏ hơn …1 phần của 10 luỹ thừa 282; nghĩa là một số nhỏ hơn 1 lớn hơn 0, mà số
1 sẽ đứng sau dấu phẩy thập phân và 283 con số 0.
Một xác suất vô cùng thấp, coi như không có. Coi như không
thể có Trái đất nếu chỉ trông chờ vào ngẫu nhiên cùng sự tiến hoá. Trái đất, Hệ
Mặt trời, Giải Ngân hà, Vũ trụ này… không thể ngẫu nhiên tiến hoá sau vụ nổ Big
Bang. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt, một thiết kế vô
song mới tạo nên được Trái đất, sự chuyển động của nó và Sự sống Nhân sinh này.
Cũng vậy, thế giới vi mô, cấu trúc của tế bào. Một tế bào
trong cơ thể người, nhỏ hơn 1 phần 3000 mm; 10.000 tế bào gom lại một đầu kim.
Vậy mà mỗi tế bào chứa nhiều trạm phát điện; nhiều nhà máy chuyển hoá rất phức
tạp; một kho dữ liệu (data bank) khổng lồ chứa được dung lượng của 900 bộ Tự
điển Bách khoa (encyclopedia). Mỗi một tế bào đều chứa kho lưu trữ, hệ thống
thần kinh, cảm giác, bộ tiêu hoá, bộ giải độc tố, hệ thống lọc chất thải, hệ
thống tạo nhiệt, hệ thống chuyển hoá và sản sinh hoá chất, truyền tin, cơ quan
tự vệ, cùng một hệ thống giao thông vô cùng phức tạp… Mỗi một tế bào chứa hơn
300 hoá chất, hơn 10,000 các Protein khác nhau; mỗi Protein có 20 loại
acidamino… Mỗi một tế bào lại còn chứa những tế bào DNA trong đó. Mỗi một tế
bào DNA lại là một kho chứa một triệu tỷ dữ kiện.
Trong thân thể con người có tới hơn 220 loại tế bào khác
nhau; như tế bào da, máu, xương, tóc, gan, ruột… Cơ thể con người có tổng cộng
là khoảng 100 ngàn tỷ (100 trillion) tế bào. Mỗi tế bào đều có nhiệm vụ và cấu
trúc khác nhau để giúp cho cơ thể được sống. Mỗi tế bào là một đơn vị độc lập,
có sự sống riêng. 100 ngàn tỷ tế bào này làm việc rất đồng nhịp dưới sự chỉ huy
của não bộ. Chỉ cần nhiệt lượng trong cơ thể tăng hoặc giảm vài độ là toàn bộ
hệ thống sẽ suy giảm, ngừng hoạt động, phân rã, con người sẽ chết. 100 ngàn tỷ
tế bào này là một Nhà máy Điều Nhiệt khổng lồ. Tất cả các tế bào phải làm việc
đồng bộ để duy trì nhiệt lượng đúng mức cho cơ thể. Một tế bào phải biết 999
ngàn tỷ tế bào kia.
Nếu thời của Darwin ,
có MTDT, và ông ấy biết được phương pháp Quy hoạch động, thì ông ấy sẽ không
phát biểu nên Thuyết Tiến hoá. Ông ấy sẽ tính ra cơ hội để tạo dựng nên một
sinh thể như con người hiện nay, cũng không khác là bao so với cơ hội tạo dựng
nên Trái đất.
Trái đất, bầu trời, những vì sao và con người không thể có
được bằng tiến hoá. Phải có một năng lượng siêu phàm, một trí tuệ siêu việt,
một thiết kế vô song của Đấng Sáng tạo mới tạo dựng nên được một thực tại tuyệt
vời này.
Đó là điều tôi tin cậy.
4. Nhưng thật không đơn giản, để phản bác những luận điểm
rằng: không có Thượng đế. Osho nói không có Thượng đế. Nieztsche nói Thượng đế
chết rồi. Đầu của hai con người này và đầu của nhiều người khác không phải bằng
đá, không thể. Họ là những con người khác thường, kẻ nguy hiểm, kẻ siêu việt;
họ rất thông minh; họ có những lý do riêng của họ.
Thực tại này bất toàn. Bất toàn không chỉ vì có những người
tin có Thượng đế và có những người không tin có Thượng đế. Bất toàn không chỉ
vậy, không chỉ vì tồn tại hai loại người. Mà bất toàn là ở bản chất của thực
tại. Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, không nên giới hạn trong vật lý, không
nên giới hạn trong toán học, không nên giới hạn trong triết học; nó thực sự mở
rộng cho toàn thực tại này. Thực tại bất toàn; vì bất toàn mà làm cho một người
này, đứng ở tầm nhìn này, thấy có Thượng đế; một người khác, đứng ở tầm nhìn
khác, thấy không có Thượng đế. Con người sẽ mãi quanh quẩn với những tranh luận
về có và không, về tồn tại và không tồn tại. Ngay cả khi, tâm thức của con
người có thể nâng cao lên một tầm cao mới, một thực tại mới, nhưng nếu chưa đạt
tới Vô ngã; thì con người vẫn là bất toàn; vẫn trong thực tại bất toàn; vậy thì
sẽ có một Định lý Bất toàn mới, sẽ có một Kurt Gödel; vậy thì vẫn còn người tin
có Thượng đế, vẫn còn người không tin có Thượng đế.
Thường đế là cái toàn hảo, không thể hiểu, không thể biết
trong một thực tại bất toàn.
5. Gautama Buddha đã siêu việt kiến giải về Thượng đế, về
Linh hồn. Bằng Phương pháp Biện chứng, với Bốn tầng phân biệt (catuskoti),
Gautama Buddha đẩy cao xung đột có và không lên một tầng cao mới:
“Thượng đế có tồn tại; hay không tồn tại; hay vừa tồn tại,
vừa không tồn tại; hay vừa không tồn tại, vừa không không tồn tại?”
Buddha không làm phức tạp hoá vấn đề, ngài đơn giản hoá vấn
đề đi. Ngài giải quyết xung đột có và không, tồn tại và không tồn tại bằng cách
đẩy cao nó lên một bình diện mới; đẩy nó sang một Hệ quy chiếu khác.
Như Lai, Thượng đế, Đấng Sáng tạo, Thực thể Tối thượng, Niết
bàn, Đạo,… là Cái Tuyệt đối, cái toàn hảo, cái không thể bất toàn. Cái Tuyệt
đối không thể là một thực thể đối lập với một thực thể khác trong thực tại bất
toàn. Con người không thể hiểu và cũng không thể BIỂT được Cái Tuyệt đối. Cái
mà con người tưởng là Cái Tuyệt đối qua tư duy, qua phân biệt không thể là Cái
Tuyệt đối thực sự. Cái Tuyệt đối thực sự chỉ có thể BIẾT khi mọi tâm trí phân
biệt đều được rũ bỏ; chỉ có thể kinh nghiệm được khi vượt ra ngoài thực tại bất
toàn này.
Prajñā Pāramitā, là trí huệ qua bờ bên kia. Rũ bỏ tâm trí
phân biệt, rũ bỏ qua mọi nhà tù: giác quan, hệ thần kinh, não bộ, tư duy, suy
nghĩ, cảm xúc, thói quen, tri thức, luân lý, đạo đức, pháp luật, thể chế… mọi
vọng gác, mọi hàng rào, mọi tường ngăn, mọi lớp vỏ, mọi lớp chăn phủ… tất cả
đều rũ bỏ vậy thì Cái Tuyệt đối, Thượng đế sẽ hiển lộ; khi đó là bờ bên kia,
Pāramitā.
Cư sĩ Minh Đạt
Nguồn: tincaytinhyeu.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét